Cần cắt giảm thêm một số chứng chỉ không cần thiết trong tuyển dụng cán bộ

(PLVN) -Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ, diễn ra hôm nay (12/1).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, năm qua, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có không ít khó khăn, thách thức, toàn ngành Nội vụ đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, được dư luận xã hội đồng tình và ghi nhận.

Nhấn mạnh đến những kết quả cụ thể nổi bật của Bộ và ngành Nội vụ trong năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, điểm đáng chú ý là đã hoàn thiện hệ thống thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực Nội vụ. Bộ đã ban hành, trình và chuẩn bị ban hành khoảng 50 văn bản, trong đó chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, trong lĩnh vực sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ Khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026); đồng thời đề xuất nguyên tắc sắp xếp, hoạt động của bộ máy nhà nước.

Điểm nổi bật thứ ba là Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước cũng như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn dốc việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, nhanh chóng…

Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền, bảo đảm sự điều hành thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Đặc biệt, trong công tác thi đua khen thưởng, Bộ Nội vụ đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản khen thưởng kịp thời các lực lượng tuyến đầu và những cá nhân, tổ chức có liên quan trong phòng chống dịch Covid-19.

“Từ trước đến nay, giữa hai Bộ, hai ngành Nội vụ và Tư pháp có sự phối hợp tương đối chặt chẽ. Những kết quả mà ngành Nội vụ đạt được có sự tham mưu và đóng góp nhất định của Bộ và ngành Tư pháp, đặc biệt trong công tác xây dựng và thẩm định văn bản”- Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Thống nhất cao với nhiệm vụ năm 2022 của Bộ và Ngành Nội vụ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, cân nhắc để làm sao cắt giảm hơn nữa một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức; bởi trên thực tế một số việc thường mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra trong Nghị định 140 về thu hút cán bộ không thông qua thi (như những người đoạt giải trong các cuộc thi hoặc tốt nghiệp loại suất sắc…); đồng thời cân nhắc thêm điều kiện có Bằng tốt nghiệp Đại học loại Khá và có bằng Thạc sĩ. Theo Bộ trưởng, một người học giỏi và trình độ chuyên môn tốt thì Bằng Đại học là quan trọng, còn Bằng Thạc sĩ chỉ có mức độ tương đối.

Đọc thêm