Cần chính sách để doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả

(PLVN) - Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất kinh doanh (SXKD), do đó, khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp (DN) chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ bị hạn chế.
Doanh nghiệp cần được tiếp cận vốn hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Doanh nghiệp càng nhỏ tiếp cận vốn vay càng khó

Báo cáo về tình hình DN mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2024 còn ở chiều tiêu cực nhưng có cải thiện so với kỳ đánh giá tháng 4/2023.

Theo kết quả khảo sát, 60,8% DN đánh giá triển vọng tiếp cận vốn là tiêu cực/rất tiêu cực. Xét theo nhóm ngành, DN ngành xây dựng đánh giá bi quan nhất, các DN trong ngành công nghiệp, nông - lâm nghiệp và thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất nhưng vẫn ở mức tiêu cực.

Xét theo quy mô lao động, DN có quy mô càng nhỏ càng đánh giá tiêu cực về khả năng tiếp cận thị trường vốn. Do đó, theo Ban IV, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, nếu tiếp cận vốn khó khăn, DN quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cũng như phát triển hoạt động SXKD.

So sánh với khảo sát tháng 4/2023, Ban IV cho biết, xét theo tỷ lệ, tỷ lệ DN đánh giá tiêu cực về triển vọng tiếp cận thị trường vốn trong khảo sát tháng 12 thấp hơn so với tháng 4. Cụ thể, đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực giảm từ 79,1% xuống 60,8%; tỷ lệ đánh giá tích cực gấp hơn 3,5 lần; rất tích cực gấp gần 3 lần.

Ban IV nhận định, vốn là đầu vào quan trọng cho SXKD, do đó, khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển của DN sẽ bị hạn chế. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng DN khi lãi suất thực vẫn ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN và nền kinh tế.

Mặc dù các tháng cuối năm 2023 và thời điểm đầu năm 2024, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang cụ thể hóa thành hành động nhưng để nền kinh tế và DN hấp thụ được hiệu quả của các chính sách này còn cần một khoảng thời gian nhất định.

Đề xuất nhiều giải pháp giải ngân vốn

Hiện nay, các khoản vay tại các ngân hàng tư nhân lãi suất vẫn từ 11 - 13%. “Trong khi đó, năm 2023 DN vừa không có đơn hàng dẫn tới phải cho công nhân giảm ngày công, vừa trả lãi suất cao (có khoản vay phải trả 15,96%) khiến DN quay vòng trong việc thanh toán với ngân hàng để tránh nợ xấu. Vốn vay lãi suất thấp rất khó tiếp cận do nhiều DN nhỏ khó có thể thoát được nợ ngân hàng đang vay” - Báo cáo Ban IV nêu rõ.

Phân tích cụ thể, Báo cáo cho biết, trong bối cảnh đơn hàng năm 2023 giảm tới 60% so với năm 2022, DN cũng cố gắng tìm mọi kênh để tìm nguồn khách hàng mới nhưng lại phải trải qua giai đoạn sản xuất hàng mẫu và điều này cần DN chủ động bỏ chi phí đầu tư. Cuối năm 2023, đơn hàng có vẻ tăng lên nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn “không có tiền để sản xuất” lại lặp lại.

Do đó, Ban IV đề nghị Chính phủ có nguồn vốn lãi suất thấp cùng điều kiện vay không quá khó khăn như cần nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai, đánh giá giá trị thương hiệu DN hay các số liệu về người lao động để cho vay; hoặc DN sẽ được chứng minh khả năng trả nợ bằng hiệu quả mô hình SXKD, hoặc theo kết quả báo cáo tài chính để giúp các DN nhỏ có vốn SXKD, vượt qua giai đoạn khó khăn đã gặp phải trong suốt 3 năm qua để tiếp tục phát triển.

Trên cơ sở đó, Ban IV đề xuất NHNN cần xây dựng chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện hơn, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các DN có khả năng phục hồi nhanh (như cho vay với các DN có doanh thu giảm ở mức dưới 30%, không nợ thuế, không nợ bảo hiểm, DN hoàn thành mọi nghĩa vụ tốt trước khi gặp khó khăn…). Các khoản vay lưu động tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các DN (hiện các ngân hàng giải ngân vốn lưu động từ 3 - 6 và 9 tháng).

Ban IV cũng đề xuất Chính phủ có chính sách vĩ mô linh hoạt theo từng thời kỳ, đặc biệt về chính sách tài chính ngân hàng; tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vay vốn với các DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, ngân hàng cần mở rộng cho vay vốn đối với các công ty khởi nghiệp chưa có tài sản thế chấp với mức lãi suất dưới 10%/ năm để DN có thể “sống sót” và mở rộng quy mô trong những năm đầu. Gói cho vay hỗ trợ DN 2% cần có thủ tục thông thoáng, ít yêu cầu hơn…

Đọc thêm