Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số bộ ngành trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới không chỉ là tham vọng, mà còn là đòi hỏi thực tiễn, nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với các quốc gia đi trước hóa giải nguy cơ tụt hậu; tăng cường năng lực nội sinh, sức chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời, tạo dựng vị thế xứng đáng của Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Chủ trì phiên 1 hội thảo. (Ảnh: H.G) |
Trước bối cảnh hiện nay vừa mở ra những cơ hội chưa từng có, vừa đặt ra những thách thức to lớn như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng, nếu không kịp thời đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu sâu sắc nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, chúng ta phải kiến tạo được những đột phá thực chất, những thay đổi quyết liệt trong tư duy và hành động phát triển.Theo TS. Đặng Xuân Thanh, Hội thảo không chỉ là một hội thảo khoa học thuần túy mà là diễn đàn phản biện và kết nối thực tiễn – nơi các ý tưởng có thể chuyển hóa thành chính sách:
Thứ nhất, hội thảo đặt lại một vấn đề mang tính nền tảng: mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam vốn vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, tăng đầu tư công và sử dụng lao động giá rẻ, đang dần cạn kiệt dư địa. Để đạt tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần thiết lập một mô hình tăng trưởng mới, tập trung vào chất lượng, hiệu suất sử dụng các nguồn lực, năng suất lao động. Mô hình này phải lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị gia tăng cao làm trung tâm. Cùng với việc thúc đẩy ứng dụng, phổ cập công nghệ trong mọi ngành sản xuất và dịch vụ, chúng ta cần chuyển mạnh sang tạo ra những sản phẩm có hàm lượng tri thức, công nghệ và bản sắc văn hóa cao...
![]() |
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: H.G) |
Thứ hai, vấn đề thể chế được đặt ra như một điều kiện tiên quyết. Không có thể chế hiệu quả thì không có tăng trưởng bền vững. Việt Nam cần một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Thứ ba, nhận diện các không gian tăng trưởng mới – những lĩnh vực và địa bàn mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiềm năng. Không gian kinh tế truyền thống đang tiệm cận giới hạn, trong khi những không gian như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển, không gian đổi mới sáng tạo,... còn nhiều dư địa. Việc đầu tư vào không gian số – với hạ tầng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa – có thể giúp Việt Nam nhảy vọt về năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng trong thập kỷ tới.
Thứ tư, nguồn lực con người nói chung, nhất là nhân tài chính là “nút thắt mềm” nhưng mang tính quyết định trong kỷ nguyên tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia mới – không chỉ nâng cao tay nghề lao động mà còn phải đào tạo những lớp người có tư duy độc lập, khả năng sáng tạo và năng lực thích ứng cao với môi trường công nghệ liên tục thay đổi.
Thứ năm là vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong tạo lập động lực tăng trưởng mới. Việc phát triển một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, các thương hiệu Việt lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu là điều kiện sống còn nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn.
Thứ sáu, về phương diện nguồn lực tài chính, kinh tế Việt Nam đang đối diện với thách thức giữa nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng huy động nguồn lực trong nước có hạn. Do đó, cần đa dạng hóa các công cụ tài chính, phát triển thị trường vốn trong nước, mở rộng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ tài chính xanh và cơ chế huy động vốn hợp tác công – tư hiệu quả…
Cuối cùng, cần có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình và cơ chế kiểm soát quyền lực minh bạch. Chính quyền địa phương cần được trao thêm quyền tự chủ trong quản lý ngân sách, quy hoạch phát triển và lựa chọn nhà đầu tư, gắn với năng lực quản trị địa phương…
![]() |
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: H.G) |
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận chuyên sâu xoay quanh các trụ cột chính tạo đột phá tăng trưởng, và thảo luận bàn tròn về các vấn đề bao gồm:
Thể chế kinh tế – với các kiến nghị về cải cách mạnh mẽ khung pháp lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, xây dựng khu thương mại tự do, khu tự do đổi mới sáng tạo với thể chế vượt trội; Nguồn nhân lực và nhân tài – đề xuất cải cách giáo dục, xây dựng chế độ công vụ mới, ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào đào tạo và quản trị nguồn nhân lực; Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – thúc đẩy thực hiện các chính sách quốc gia đã ban hành, xây dựng chiến lược phát triển thống nhất cho giai đoạn 2026–2045; Doanh nghiệp tư nhân – xác định khu vực tư nhân là động lực trung tâm cho tăng trưởng, yêu cầu có chính sách riêng, môi trường pháp lý thuận lợi, khả năng tiếp cận tài chính và kết nối thị trường quốc tế; Huy động nguồn lực tài chính – đề xuất các cơ chế huy động và phân bổ nguồn vốn hiệu quả, cải thiện năng lực điều tiết tài chính công, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; Tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực thể chế – khẳng định vai trò trung tâm của Nhà nước kiến tạo và thể chế dung hợp để dẫn dắt cải cách toàn diện, bảo đảm tăng trưởng chất lượng.
![]() |
Các đại biểu tham luận Phiên 1 chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: H.G) |
Các diễn giả đã đồng thuận rằng để đạt được tăng trưởng hai con số, Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc vào các động lực truyền thống mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và năng suất cao. Cải cách thể chế, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và quản lý nhà nước là những yếu tố then chốt.
Trên cơ sở các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số.