Cần chuyển đổi mô hình trong phát triển bền vững kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phát triển kinh tế theo mô hình tuần hoàn đang là một xu hướng chuyển đổi của các quốc gia để đi lên bền vững. Ở Việt Nam, mô hình này mới được đề cập và thực hiện với những bước khởi động trong phạm vi khiêm tốn. Trong phát triển kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn xuất hiện chưa nhiều, kể cả trong chính sách…
Cần chuyển đổi mô hình trong phát triển bền vững kinh tế biển

Mô hình kinh tế tuyến tính sẽ để lại nhiều hệ lụy

Những năm gần đây, sự “mở đường”, “dẫn đường” của nhiều chủ trương, chính sách đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển Việt Nam phát triển với những thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước.

Tuy nhiên, kinh tế biển Việt Nam trong nhiều năm qua được tổ chức và phát triển mang nhiều dấu ấn của kinh tế tuyến tính (linear economy), với đặc trưng quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất, sản phẩm và phần còn lại của sản phẩm thường bị vứt bỏ sau tiêu thụ. Mô hình này thể hiện kiểu phát triển theo chiều rộng, có thể phù hợp trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài thì để lại nhiều hệ lụy bởi sự cạn kiệt tài nguyên và lượng phế thải khổng lồ đẩy ra môi trường.

Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) là 1 trong 2 cảng của Tân Cảng Sài Gòn đạt giải thưởng Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN). Ảnh: Công Hoan

Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) là 1 trong 2 cảng của Tân Cảng Sài Gòn đạt giải thưởng Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN). Ảnh: Công Hoan

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) nhận định: “Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc nhìn nhận và phân tích nguyên nhân về mô hình phát triển kinh tế biển hiện nay cần được chú tâm. Đây là vấn đề căn bản có tính chất xuất phát điểm cho toàn bộ quá trình phát triển kinh tế biển hiện tại và trong tương lai. Nhận thức về phát triển một cách hiệu quả, bền vững kinh tế biển của cán bộ và nhân dân cần được nâng cao; khái niệm về nền kinh tế biển xanh phải được hiểu và áp dụng thống nhất ở Việt Nam.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng chuyển đổi

Trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, các nước phát triển trên thế giới quan tâm nhiều đến mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy) với đặc trưng là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa (repair), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing).

Để tuân thủ “Không xả thải vào thiên nhiên”, các doanh nghiệp sẽ phải giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trên phạm vi thế giới, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.

Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Công Hoan

Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Ảnh: Công Hoan

Phát triển kinh tế theo mô hình tuần hoàn đang là một xu hướng chuyển đổi của các quốc gia để đi lên bền vững. Ở Việt Nam, mô hình này mới được đề cập và thực hiện với những bước đi khởi động trong phạm vi khiêm tốn. Trong phát triển kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn xuất hiện chưa nhiều, kể cả trong chính sách. Hệ lụy lớn từ phát triển kinh tế biển hiện nay là khan hiếm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Điều đó đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình phát triển từ rộng sang sâu, từ kinh tế tuyến tính với đặc trưng xả thải sang kinh tế tuần hoàn với đặc trưng tái sử dụng thải.

Cần nghiên cứu thực hiện có lộ trình

Phát triển bền vững kinh tế biển là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Mục tiêu của phát triển kinh tế biển đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; tầm nhìn đến năm 2045 là Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần nghiên cứu thực hiện có lộ trình mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế biển ở Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu, giới thiệu lý thuyết và thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới để tạo nhận thức rộng rãi, đầy đủ, đúng đắn của mô hình kinh tế này trong cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân. Nghiên cứu tạo cơ chế khuyến khích thực hiện mô hình kinh tế này bằng cách đãi ngộ, ưu tiên về thuế và các chính sách hỗ trợ khác. Xây dựng thể chế theo hướng tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. Pháp luật phải được ngày một hoàn thiện theo hướng gia tăng những quy định, chế tài đảm bảo những yêu cầu của phát triển bền vững trong quá trình phát triển kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng. Tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thí điểm thực hiện mô hình được cho là mới ở Việt Nam hiện nay.

Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu. Ảnh: Công Hoan

Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu.

Ảnh: Công Hoan

Phát triển bền vững đang là yêu cầu tất yếu của kinh tế biển Việt Nam. Đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với ngư dân, với cộng đồng doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế biển mà còn là của quốc gia dân tộc. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là con đường phải đi qua trên tiến trình phát triển bền vững. Trên con đường đó, cần thiết nghiên cứu và áp dụng việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Đó là xu thế không nên trì hoãn.

Kinh tế biển được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Động lực đó chỉ có thể được phát huy mạnh mẽ và lâu dài trong điều kiện khai thác và phát huy các giá trị của biển phải được thực hiện theo hướng bền vững.

Trước sự suy giảm đến mức ngày càng khan hiếm tài nguyên biển, trước tác động mặt trái của quá trình phát triển kinh tế biển hiện nay đối với môi trường và không gian sống, việc nghiên cứu chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Đọc thêm