Buổi tọa đàm hướng tới mục đích tăng cường vận động, đoàn kết Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đoàn kết Phật giáo giữa các vùng miền, tìm giải pháp phù hợp để GHPG Việt Nam giải quyết tốt việc thuyên chuyển Tăng, Ni.
Buổi tọa đàm cũng sẽ góp phần giúp cho Ban tăng sự Trung ương GHPG Việt Nam, GHPG các tỉnh, thành phố thấy rõ hơn thực trạng, ưu điểm, hạn chế, bất cập, một số kinh nghiệm, các làm phù hợp trong xử lý vấn đề thuyên chuyển Tăng, Ni hiện nay.
Theo các biểu, để tránh những tiêu cực nảy sinh thì công tác quản lý nhân sự ở trong và ngoài Phật giáo là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần có cơ chế để nhân dân đánh giá sự tín nhiệm đối với Tăng, Ni trụ trì.
Việc này phải được thể hiện trong pháp luật và cả trong hương ước cộng đồng làng xã giúp cho Tăng, Ni ngày càng hoàn thiện đạo hạnh, giữ nghiêm giới luật và tinh thần dấn thân phục vụ.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam cần tăng cường giám sát và có ý kiến với GHPG Việt Nam về những trường hợp bổ nhiệm, thuyên chuyển Tăng, Ni gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngoài ra, cần có kênh ghi nhận và lắng nghe ý kiến nhân dân theo các chuyên đề về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về các chính sách liên quan đến tôn giáo cũng như quá trình thực thi trong thực tế.
Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, thời gian qua, chính sách pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của các chức sắc, tín đồ tôn giáo, đoàn kết đồng bào tôn giáo và không theo tôn giáo.
Công tác quản lý Nhà nước ngày càng minh bạch; việc thuyên chuyển các chức sắc của GHPG Việt Nam vừa qua đã có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, cơ quan, ban, ngành.
Tuy nhiên trên thực tế cũng nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết trong việc thuyên chuyển Tăng, Ni. Chẳng hạn, có nơi việc thuyên chuyển Tăng, Ni của Giáo hội vẫn chưa có sự đồng thuận của Ban Trị sự GHPG Việt Nam, chính quyền và nhân dân địa phương; có địa phương nhân dân thỉnh, mời đón sư về trông coi chùa mà chưa được sự đồng ý của Ban Trị sự GHPG Việt Nam, cấp có thẩm quyền mà chỉ có sự đồng thuận của Hội người cao tuổi và chính quyền thôn, xã…
Ông Ngô Sách Thực khẳng định, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục đồng hành cùng GHPG Việt Nam, giúp Giáo hội từng bước khắc phục những bất cập, khó khăn trong thuyên chuyển Tăng, Ni.