Cần có khung tiêu chuẩn thống nhất cho đường sắt đô thị

(PLVN) - Sáng 19/1, tham dự phiên chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị” trong khuôn khổ Hội thảo phát triển đường sắt đô thị, nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho loại hình giao thông này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đương Đức Tuấn phát biểu khai mạc. (Nguồn ảnh: Báo Kinh tế đô thị)
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đương Đức Tuấn phát biểu khai mạc. (Nguồn ảnh: Báo Kinh tế đô thị)

Tham dự phiên chuyên để có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, Cục trưởng Cục Đường sắt Trần Thiện Cảnh… cùng nhiều chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc phiên chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch Giao thông vận tải, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai thi công 12,5km tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Từ khi tuyến ĐSĐT số 2A đi vào khai thác vận hành, được toàn thể Nhân dân TP Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác.

Sắp tới UBND TP Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như UBND TP Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến ĐSĐT số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án ĐSĐT của Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án ĐSĐT.

Đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn bày tỏ: “Để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống ĐSĐT trên địa bàn hai TP lớn nhất cả nước, chúng tôi tổ chức hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, chuyên gia trong nước và quốc tế, để lắng nghe những ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT”.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cũng mong muốn hội thảo chuyên đề này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ĐSĐT cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển ĐSĐT nói riêng, giao thông đô thị nói chung.

Chia sẻ tại phiên chuyên đề, TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng tư vấn về phát triển ĐSĐT TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh sự cấp thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho ĐSĐT để có thể triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những giải pháp quyết liệt là phải thống nhất hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, bên cạnh các giải pháp tổng thể khác như phân quyền; huy động nguồn lực từ đất đai; thay đổi cách thức quản lý, thực thi dự án…

Quang cảnh phiên chuyên đề. (Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Quang cảnh phiên chuyên đề. (Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Nêu rõ sự khác nhau về tiêu chuẩn đang được áp dụng cho các tuyến ĐSĐT hiện nay của Việt Nam, ông Quốc cho rằng, điều đó gây lãng phí nguồn lực, không tận dụng được thiết bị, các sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…); không có sự thống nhất trong cách vận hành và khai thác, khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt được thiết kế, vận hành theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Đồng thời, khó khăn cho công tác thẩm tra, thẩm định vì mỗi tiêu chuẩn đòi hỏi sự hiểu biết, kinh nghiệm khác nhau; tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đôi khi tạo sự thiên vị cho các công ty ở quốc gia đề ra tiêu chuẩn…

Trên cơ sở đó, ông Quốc đề xuất phải phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho việc phát triển hệ thống ĐSĐT của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn cần rất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống ĐSĐT thời gian tới, có thể áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sẵn có với những điều kiện đặc thù mang tính địa phương như tải trọng, môi trường. Theo ông Quốc, tiêu chí lựa chọn tiểu chuẩn này là đã được áp dụng và kiểm chứng qua nhiều dự án ở nhiều nơi trên thế giới; dễ dàng tìm kiếm thông tin, dễ dàng tiếp cận tư liệu; thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa những thực thể liên quan đến công tác thiết kết, tư vấn và xây dựng.

Cũng chỉ ra thực trạng các tuyến ĐSĐT hiện nay đang áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất khác nhau, TS Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Kinh tế vận tải đường sắ, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng áp dụng đồng bộ, thống nhất cho các tuyến ĐSĐT sắp xây dựng tại Việt Nam là rất cần thiết. Từ hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn này mới xác định được công nghệ ĐSĐT nào được lựa chọn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hóa các quy trình xây dựng mới và chuyển dịch tiêu chuẩn; phân cấp mức độ quan trọng, cấp thiết và ưu tiên để xây dựng tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng được nhu cầu áp dung khi triển khai các dự án ĐSĐT tiếp theo; đưa ra lộ trình xây dựng các tiêu chuẩn. Bà An đề nghị, hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT tại Việt Nam cần được xây dựng theo trình tự từ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật…

Đọc thêm