Không biết bao nhiêu “chế phẩm” được cư dân mạng tạo ra để chế nhạo ông: Từ ứng dụng chuyển đổi chữ viết hiện tại thành kí tự như trong cải cách (mà chủ yếu là ngôn ngữ chửi bậy) cho đến cả việc photoshop một... bia mộ giả với kí tự của GS Bùi Hiền để truyền nhau trên mạng.
Người lên tiếng bênh vực ông là tiến sĩ Đoàn Hương cũng bị "vạ lây" khi nhận bao lời mắng chửi của cư dân mạng. Thậm chí, người ta còn ghép ảnh GS Bùi Hiền và TS Đoàn Hương trong những bộ quần áo hết sức dị hợm và dùng những ngôn từ kinh khủng khi nói về họ.
Dường như, cư dân mạng đang trong một cơn “cuồng ném đá” khi bất cứ điều gì vào đến tay họ cũng trở thành mục tiêu để chửi bới, lăng mạ. Một hoa hậu không đẹp đăng quang, lập tức cả cha mẹ bị lôi ra bêu riếu. Hàng trăm hình ảnh ghép gương mặt hoa hậu với các loài động vật được cư dân mạng truyền nhau, cười hả hê.
Một phát ngôn thiếu cẩn trọng của người nổi tiếng, lập tức câu nói bị đem ra mổ xẻ, và tác giả của nó bị cư dân mạng chửi rủa không thương tiếc với những lời lẽ kinh khủng nhất. Một hành vi sai trái bị quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng, lập tức chủ thể trong ảnh bị dò tìm tận đến gia đình, bị chửi bới, nhắn tin khủng bố, gọi điện hăm doạ...
Một người phụ nữ bắt nạt một bà cụ, clip bị tung lên mạng, người phụ nữ này đã phải đối diện với sự trừng phạt khủng khiếp tới mức, bà chia sẻ đã từng muốn tự sát, và may mà có gia đình bên cạnh động viên để vượt qua.
Giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, bất cứ ai cũng có thể trở thành một quan toà, thoả thuê phán xử. Cùng với tác dụng quay phim, chụp ảnh, mỗi người đều có thể quay lại những hình ảnh “chưa đẹp mắt” của người khác để bêu riếu trên mạng. Có những câu chuyện chỉ là nhỏ bé, chuyện sai quấy vặt vãnh trong đời thường, mà đáng ra người ta có thể bỏ qua cho nhau, nhưng khi bị đưa lên mạng xã hội, lại trở thành bị thổi phồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người bị quay lén.
Không ít doanh nghiệp cũng vì những thông tin thất thiệt trên mạng mà trở nên điêu đứng, làm ăn thua lỗ. Mạng xã hội với cơn “cuồng” của đám đông, sự thiếu cẩn trọng suy xét, phát ngôn chửi bới vô tội vạ đã trở thành mảnh đất lý tưởng cho những kẻ ác miệng, thích tung tin đồn nhảm, gây sự chú ý, và đặc biệt là những kẻ rắp tâm hạ bệ người khác vì mục tiêu đen tối của mình.
Chính vì vậy, mạng xã hội rất cần một sự sắp xếp quy củ bởi việc ban hành những quy chuẩn ứng xử chung và hợp lý, nhằm phát huy điểm tích cực và hạn chế các tiêu cực. Đồng thời với quy chuẩn là các chế tài mạnh mẽ để giúp những “anh hùng bàn phím” bớt đi những hành vi sai quấy, thiếu trách nhiệm, cũng như bảo vệ được người dùng, đó mới là điều cần làm nhất.