Cần công nhận Quyết định hòa giải thành của hòa giải viên có giá trị pháp lý

(PLVN) -Đây là đề xuất của ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM khi sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM

-Ông đánh giá thế nào về công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay?

Hiện nay, 24 quận, huyện ở TP HCM có 322 xã, phường, thị trấn với 2.306 tổ hòa giải và 12.840 hòa giải viên. Trong số 12.840 hòa giải viên, số người có trình độ chuyên môn luật là 1.072 người; chưa qua đào tạo chuyên môn Luật là 11.763 người. 

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và xuất phát từ nhu cầu, thực tiễn của địa phương, quy mô dân số và đặc điểm địa lý, các quận, huyện đã thành lập tổ hòa giải theo tổ dân phố hoặc khu phố, ấp nhân dân. 

Tổ hòa giải được cơ cấu hợp lý gồm cả nam, nữ, già, trẻ, đảng viên, đoàn viên, người đang công tác, cán bộ nghỉ hưu… Tuy nhiên, do người làm công tác hòa giải còn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định đến việc nắm tình hình địa phương để kịp thời hòa giải, khi xảy ra mâu thuẫn.

 Sở Tư pháp TP HCM phối hợp với UBMTTQ và một số đơn vị có liên quan kiểm tra công tác hòa giải cơ sở tại huyện Nhà Bè

Trong năm 2019, trên địa bàn thành phố tiếp nhận 1.687 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành là 1.475 vụ việc đạt 87,43 %; hòa giải không thành là 209 vụ việc. Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của UBND TP, UBND quận, huyện; xã phường, thị trấn, các tổ chức hòa giải ở cơ sở thường xuyên được kiện toàn củng cố theo hướng thu gọn phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo chi hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định. 

Các hòa giải viên sau khi được bầu đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật, rèn luyện kỹ năng để có điều kiện tốt tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó, công tác hòa giải đã đem đến nhiều kết quả khả quan, góp phần giảm số vụ việc tranh chấp phải chuyển đến cơ quan chức năng, Tòa án; góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

-Để công tác hòa giải ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa, theo ông, cần có những điều chỉnh gì? 

Hiện công tác hòa giải cũng còn tồn tại một số vướng mắc. Một số địa bàn khu dân cư, đơn vị khó khăn trong việc tìm và giới thiệu người tham gia tổ hòa giải. Những người có trình độ, có uy tín trong cộng đồng thường là những người phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nên không có nhiều thời gian; những người có thời gian, nhiệt tình nhưng do còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức pháp luật chưa cao, chưa tạo được uy tín trong dân. 

Hơn nữa, quy định về tiền thù lao như hiện nay cũng chưa thực sự thu hút được những người có khả năng tham gia công tác hòa giải, chưa tương xứng với công sức hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải.

Để công tác hòa giải thực sự giảm áp lực xét xử của Tòa án, giảm công việc của UBND xã, phường, thị trấn, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp, UBND TP kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh Luật Hòa giải ở cơ sở theo hướng xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của Hòa giải viên và công nhận Quyết định hòa giải thành của hòa giải viên ở cơ sở có giá trị pháp lý và được Nhà nước đảm bảo thi hành.

Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính kịp thời sửa đổi theo hướng tăng các mức chi theo cơ chế đặc thù cho các thành phố lớn tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. 

Trong đó, đối với Tổ trưởng Tổ hòa giải cần quy định mức bồi dưỡng hàng tháng do phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên: quản lý hoạt động hòa giải viên, quản lý Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở, thực hiện thủ tục chi thù lao, báo cáo, thống kê định kỳ.

. Xin cảm ơn ông! 

Đọc thêm