Căn cứ VNA phạt HLV Khương 2 triệu đồng chưa "ổn"?

Thanh tra Cục Hàng không hôm nay tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đại diện HLV Lê Minh Khương nhằm giải quyết khiếu nại của ông Khương đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng trước đó…

Thanh tra Cục Hàng không hôm nay tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đại diện HLV Lê Minh Khương nhằm giải quyết khiếu nại của ông Khương đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng trước đó…

Biên bản lập sau hơn 1 tháng

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh Thanh tra Cục hàng Việt Nam không thừa nhận, biên bản do Cơ trưởng và Cụm cảng hàng không Miền Trung lập sau thời điểm xảy ra vụ việc (ngày 18/4/2011) là không đủ cơ sở để xử phạt nên Thanh tra hàng không phải tiến hành lập một biên bản khác (ngày 21/5/2011, tại trụ sở Cục hàng không) để xác định ông Khương có hành vi vi phạm hay không. Sau đó, Thanh tra căn cứ vào biên bản này để ra quyết định xử phạt.

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh thanh tra Cục hàng không Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh thanh tra Cục hàng không Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại, ông Thắng cũng thừa nhận “Biên bản trên đây được lập không dựa vào phương tiện kỹ thuật nào mà chỉ dựa vào xác nhận của 3 hành khách (1 người Việt Nam, hai người nước ngoài) có mặt trên hạng thương gia để kết luận “ông Khương lớn tiếng, không chấp hành yêu cầu của tiếp viên trên chuyến bay”.

Tuy nhiên, LS Trần Thu Nam đã bác bỏ toàn bộ lời làm chứng của những hành khách nêu trên vì nghi ngờ tính khách quan trong việc lấy lời khai này. Điều quan trọng nhất để xác định ông Khương có vi phạm hay không thì phải căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính.

Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển có trách nhiệm lập biên bản để chuyển cho người có thẩm quyền xử lý khi tàu bay, tàu biển về đến sân bay, bến cảng”.

Điều này có nghĩa, nếu không có biên bản của người chỉ huy tàu bay, không có chứng cứ thu thập từ phương tiện kỹ thuật thì không thể cho rằng ông Khương vi phạm, không thể xử phạt ông Khương. “Phải chăng, vì không có biên bản vi phạm, không thể xử phạt ông Khương nên Thanh tra hàng không phải hợp thức hoá cho việc trấn áp ông Khương bằng một biên bản lập sau khi vụ việc xảy ra hơn 1 tháng”, Luật sư Nam nói tiếp. “Biên bản này lộ rõ sai trái ở chỗ, được lập bởi một nhân viên Thanh tra hàng không không hề có mặt trên máy bay, tại một địa điểm cách xa nơi xảy ra vụ việc hàng ngàn km. Chưa kể đến nội dung, chỉ cần xét về hình thức thì cũng thấy biên bản này không có giá trị”.

Tiếp viên yêu cầu sai, hành khách cũng phải chấp hành tuyệt đối

Quyết định xử phạt mô tả: “Trong khi tàu bay lăn bánh ra đường cất hạ cánh, tiếp viên kiểm tra khoang hành khách phát hiện hành khách Lê Minh Khương ngồi ở ghế 1C (tức sai số ghế- PV) nên đã nhiều lần yêu cầu ông Khương trở về đúng chỗ ngồi của mình nhưng ông Khương đã không chấp hành mà còn lớn tiếng gây mất trật tự, kỷ luật trên tàu bay. Sau đó, ông Khương còn đứng dậy, tiến về phía cửa khoang lái của tàu bay lớn tiếng doạ nạt tiếp viên”.

Giả sử, diễn biến sự việc đúng như mô trên trên đây thì vấn đề phức tạp ở chỗ, tiếp viên đã yêu cầu hành khách làm một việc không “chuẩn” thì hành khách có phải chấp hành tuyệt đối?.

Luật sư Nam cho rằng, tiếp viên đã làm sai quy trình khi yêu cầu ông Khương làm một việc có khả năng gây mất an toàn cho chính ông Khương cũng như mất an toàn cho chuyển bay. Đáng lẽ khi máy bay lăn bánh ra đường băng và cất cánh thì hành khách (và cả tiếp viên) phải được ngồi ổn định trên ghế và cài dây an toàn thì tiếp viên lại yêu cầu ông Khương di chuyển khỏi vị trí đang ngồi, thậm chí còn yêu cầu sai trái này còn được lặp lại “nhiều lần”.

Mặc dù đã biết rõ ông Khương ngồi sai vị trí, chưa giải quyết xong vướng mắc về cuống vé nhưng máy bay vẫn lăn bánh ra đường băng. Với hành vi trên thì chính tiếp viên là người vi phạm an ninh hàng không. Việc máy bay phải quay lại sân đỗ là do lỗi của chính tiếp viên và tổ bay khi đã vội vã cho máy bay di chuyển khi chưa giải quyết xong mọi vấn đề. Với lập luận trên, Ls Nam cho rằng “chính tiếp viên mới là người đáng xử phạt nhưng đã bị Thanh tra hàng không bỏ qua”.

Buổi đối thoại hôm nay chỉ xoay quanh việc khiếu nại quyết định xử phạt nên Ls Nam đã không đề cập nhiều đến việc ông Khương bị an ninh hàng không dí dùi cui điện, đánh đập, còng tay. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ ý định kiện VNA vì cách đối xử thô bạo, dã man đối với ông Khương”, LS Nam phát biểu.

Khoa Lâm

Đọc thêm