Truyền thông Chính sách

Cần điều chỉnh tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp

(PLVN) -Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực ở lĩnh vực pháp y, pháp tâm thần, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng là người đã nghỉ hưu mà được cơ quan, đơn vị nhà nước ký hợp đồng làm giám định.
Cần điều chỉnh tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp

Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng tiền bồi dưỡng

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp (GĐTP) Bộ Tư pháp cho biết đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ người làm GĐTP đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chăm lo, chuyển biến nhiều so với trước đây. Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg đã tăng mức tiền bồi dưỡng GĐTP mà người giám định được hưởng trung bình gấp từ 02 đến 2,5 lần so với quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng GĐTP.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi trả bồi dưỡng GĐTP chặt chẽ, đúng quy định, chi trả đúng đối tượng và tương đối đầy đủ, kịp thời; cơ bản đã bù đắp được công sức, tính chất độc hại, phức tạp, khó khăn trong hoạt động GĐTP của người tham gia vào công tác GĐTP theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tình trạng nợ đọng tiền bồi dưỡng GĐTP đã được Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan quan tâm giải quyết, có nhiều biến chuyển, cơ bản được khắc phục.

Đồng thời, việc tăng mức bồi dưỡng GĐTP đã giúp cho thu nhập của người thực hiện GĐTP được tăng lên đáng kể, nhất là các lĩnh vực giám định có tổ chức GĐTP công lập, phần nào bảo đảm sự tương xứng, hợp lý với tính chất công việc giám định; giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa người làm GĐTP với cán bộ chuyên môn trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, nhất là giữa bác sỹ làm giám định pháp y với bác sỹ làm công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám. Điều này góp phần “giữ chân” người làm GĐTP, có thêm động lực thực hiện công việc nhiều khó khăn này cũng như thu hút những cá nhân có chuyên môn, các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động GĐTP.

Bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sau 10 năm tổ chức thực hiện Quyết định 01 đã bộc lộ một số bấp cập, hạn chế.

Cụ thể, trong một số lĩnh vực giám định phải huy động người GĐTP không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia, thực hiện giám định, như: trong lĩnh vực xây dựng hiện nay đã được xã hội hóa mạnh mẽ, nhiều vụ việc GĐTP xây dựng do tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn hoạt động xây dựng thực hiện; trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần, do bị thiếu hụt nhân lực nên phải huy động các giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu tham gia vào công tác GĐTP nhưng các đối tượng này do không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không được hưởng chế độ bồi dưỡng GĐTP.

Đặc biệt, mức bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định số 01 đã trở nên bấp cập, không còn phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức lương cơ sở tăng nhiều lần trong thời gian qua. Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực như xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hóa... mức bồi dưỡng thông thường chỉ 150.000 đồng/người/ngày, trong khi có những vụ việc giám định phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, phải chịu trách nhiệm pháp lý lớn cho nên không thu hút, động viên được các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động GĐTP.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức có liên quan và thực trạng chế độ bồi dưỡng GĐTP hiện nay, cần bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng là người đã nghỉ hưu mà được cơ quan, đơn vị nhà nước ký hợp đồng làm giám định nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực ở lĩnh vực pháp y, pháp tâm thần và một số lĩnh vực khác để khắc phục bất cập, hạn chế và vướng mắc, khó khăn hiện nay trong việc chi trả tiền bồi dưỡng giám định trên thực tế hiện nay.

Chuyển quy định chế độ bồi dưỡng đối với lĩnh vực pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và một số loại việc về pháp y (giám định trên hồ sơ, giám định vi thể, độc chất...) từ theo ngày công sang vụ việc tại Điều 3 trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Bộ Công an và các tổ chức GĐTP cấp Trung ương.

Về mức bồi dưỡng cần điều chỉnh theo hướng tăng mức bồi dưỡng GĐTP trên cơ sở mức tăng chỉ số trượt giá tiêu dùng và lương cơ sở đối với bồi dưỡng giám định theo ngày công và vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Sửa đổi thủ tục dự toán, cấp phát, thanh quyết toán chế độ bồi dưỡng GĐTP theo hướng ngân sách nhà nước cấp thẳng, trực tiếp cho các tổ chức GĐTP công lập, cơ quan, đơn vị nhà nước khác thực hiện giám định thay vì qua cơ quan trung gian là các cơ quan tiến hành tố tụng có trưng cầu GĐTP như hiện nay để góp phần khắc phục vướng mắc, khó khăn về dự toán, cấp phát, thanh toán, chi trả chế độ bồi dưỡng GĐTP; góp phần thiết thực thực hiện cải cách hành chính về tài chính công.

Đọc thêm