Chưa có cách hiểu thống nhất
Nghị quyết 41-NQ/TW nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Tuy nhiên, thế nào là DNDT hiện cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, DNDT phải là những tập đoàn lớn của Nhà nước như: Vietnam Airlines, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Bưu chính viễn thông, Xăng dầu Việt Nam, Mobifone, Vinachem,… Ý kiến khác lại cho rằng, DNDT không nhất thiết chỉ là doanh nghiệp nhà nước, mà bao gồm doanh nghiệp trong tất cả các thành phần kinh tế, có thể là các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Sunhouse, Tân Á Đại Thành,… miễn là những doanh nghiệp này là những tên tuổi lớn mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Một số ý kiến lại đề nghị xác định DNDT là các tập đoàn kinh tế tư nhân, đứng sau đó là các đại gia tộc hùng mạnh, như kinh nghiệm một số quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản…đã xây dựng thành công.
Do còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “DNDT” nên những tiêu chí để đánh giá một DNDT cũng còn chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng, DNDT có thể là doanh nghiệp vừa, hoặc doanh nghiệp lớn, kinh doanh các sản phẩm nội địa. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vừa thành lớn, lớn thành hùng mạnh. Ý kiến khác lại cho rằng, tiêu chí để đánh giá một doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn DNDT là quy mô vốn và thị trường. Những doanh nghiệp này phải là các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, đã có sẵn tiềm lực, sẵn sàng vươn tầm quốc tế và Chính phủ cần có các chính sách đột phá, vượt trội để các doanh nghiệp này đạt đến mức độ “quy tụ”, trở thành trụ cột kinh tế quốc gia.
Về cơ chế, chính sách, hiện cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, thị trường cho các doanh nghiệp được gọi là “DNDT”. Điều này dẫn đến việc thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy và bảo vệ DNDT khi các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc cần nguồn lực lớn để vươn tầm quốc tế.
Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DNDT
Để có thể hình thành và phát triển đội ngũ DNDT như tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ DNDT một cách toàn diện và hiệu quả là điều kiện tiên quyết. Trên cơ sở đó, các giải pháp cần được thiết kế nhằm tháo gỡ những rào cản hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi để DNDT phát triển và hội nhập quốc tế.
Trước hết, cần xây dựng và có định nghĩa rõ ràng về DNDT trong các văn bản quy phạm pháp luật. DNDT nên được xác định không chỉ qua yếu tố sở hữu vốn mà còn phải dựa trên đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, sự gắn bó với văn hóa dân tộc và khả năng hội nhập quốc tế. Sự thống nhất này sẽ là cơ sở để triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù.
Các chính sách pháp luật cần hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DNDT ( ảnh minh họa) |
Tiếp theo, cần thiết lập các cơ chế ưu đãi tài chính dành riêng cho DNDT, bao gồm các quỹ hỗ trợ đầu tư, ưu đãi tín dụng và giảm thuế cho các doanh nghiệp có sản phẩm mang giá trị văn hóa dân tộc hoặc thuộc lĩnh vực trọng yếu. Ngoài ra, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô cũng cần được thực hiện, tạo điều kiện cho họ trở thành các DNDT quy mô lớn dẫn dắt thị trường.
Các chính sách pháp luật cần hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DNDT. Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận các công nghệ tiên tiến, triển khai chuyển đổi số và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, các DNDT cần được bảo vệ và hỗ trợ trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đảm bảo lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho DNDT là vô cùng quan trọng. Chính phủ cần triển khai các chương trình quảng bá và bảo hộ các sản phẩm mang bản sắc Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ DNDT tham gia vào các triển lãm thương mại toàn cầu.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Nhật Bản đã thành công với mô hình keiretsu, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ trong cùng chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Hàn Quốc thông qua các chaebol như Samsung và Hyundai, đã xây dựng được các tập đoàn mạnh mẽ đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình này để xây dựng các DNDT đầu đàn làm hạt nhân, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc hoàn thiện chính sách pháp luật để hỗ trợ DNDT không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để làm được điều này, cần sự chung tay từ cả phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi có những chính sách đồng bộ, hiệu quả, DNDT mới thực sự trở thành lực lượng nòng cốt đưa nền kinh tế Việt Nam vươn xa trên bản đồ kinh tế toàn cầu.