Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và sứ mệnh với dân tộc

(PLVN) -  Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã dần khẳng định vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho người Việt. Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới càng thêm tạo động lực cho đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới. 
Ngày 4/10/2024, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: nhandan.vn)
Ngày 4/10/2024, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: nhandan.vn)

Vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Lịch sử đã chứng minh trong bất kỳ giai đoạn nào, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân lại càng thêm quan trọng.

Doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội

Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp xã hội có lịch sử lâu đời, với những đóng góp giá trị và đã đóng vai trò trọng yếu trong những giai đoạn phồn thịnh của kinh tế - xã hội Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XX, tầng lớp tư sản dân tộc của người Việt đã có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của nước ta.

Ý thức được lý do sâu xa khiến kẻ thù có thể xâm lược nước ta là do chúng ta nước yếu, dân nghèo, các chí sĩ yêu nước chính là những người tiên phong kinh doanh buôn bán, kêu gọi người Việt Nam cùng khởi nghiệp kinh doanh như Lương Văn Can, Hồ Tá Bang, Trần Chánh Chiếu... Bấy giờ, nhiều doanh nhân người Việt đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật cải tiến trong sản xuất, kinh doanh, biết ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp chế biến mỹ phẩm như Trương Văn Bền với xà bông Cô Ba, Nguyễn Sơn Hà sản xuất sơn... đã mang đến những sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao.

Tư sản dân tộc là lực lượng tích cực trong việc kêu gọi, động viên người Việt Nam kinh doanh, phát triển kinh tế; cổ động Nhân dân dùng hàng nội hóa nhằm khuyến khích kinh tế dân tộc phát triển. Cụ thể như nhà tư sản Bạch Thái Bưởi không chỉ đi đầu tổ chức vận tải biển, mở xưởng đóng tàu mà còn nổi tiếng với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ủng hộ Chính phủ cách mạng còn non trẻ, phong trào “Tuần lễ Vàng” đã ghi nhận sự tham gia tích cực với vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện ủng hộ 86 lạng vàng, 200 tấn thóc, 1.000 con bò và 40 nghìn đồng Đông Dương. Gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ ở Hà Nội đã ủng hộ 500 cây vàng và vận động quyên góp được 4.000 lạng vàng...

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, trong đó có các nhà tư sản dân tộc tích cực ủng hộ Tuần lễ Vàng. (Ảnh tư liệu).
Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, trong đó có các nhà tư sản dân tộc tích cực ủng hộ Tuần lễ Vàng. (Ảnh tư liệu).

Ngày 13/10/1945, khi nghe tin các nhà công thương nhóm họp, thành lập Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Trong thư, Bác Hồ chỉ rõ: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Đến tháng 9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2004 - 2023, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng DN thành lập mới, đạt hơn 1,88 triệu DN. Bước sang năm 2024, xu hướng này tiếp tục được duy trì với hơn 110.000 DN thành lập mới chỉ trong 8 tháng đầu năm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam dần khẳng định vị thế trong xã hội, góp phần nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho người Việt. Họ luôn thể hiện được tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội cao cả, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn và thách thức, như khi đất nước đối mặt với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và thiên tai, bão Yagi,...

Nghị quyết số 41-NQ/TW: “Điểm tựa” để doanh nghiệp vươn mình

Trong suốt thời kỳ đổi mới, cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các DN, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ngày 9/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết 41-NQ/TW có những mục tiêu kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Nghị quyết 41 xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình DN hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi.

Trong đó, về quan điểm, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là điểm tương tự Nghị quyết 09 nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Như vậy, DN, doanh nhân không chỉ lo làm ăn kinh tế mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết 41 cũng xác định rõ yêu cầu quan trọng là “tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Nghị quyết 41 xác định mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Trong đó, phấn đấu ngày càng có nhiều DN đạt tầm khu vực, một số DN đạt tầm thế giới; một số DN có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn...

Hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết 41 đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đồng bộ. Trong đó, có nhiều điểm mới đáng chú ý, như “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng...” được cộng đồng doanh nhân, DN ủng hộ.

Một trong các nhóm nhiệm vụ được nêu rõ là “hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển và cống hiến”. “An toàn” và “bình đẳng” là hai yếu tố quan trọng với cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam. Điều này phải được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ để triển khai.

Đặc biệt, Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Thực tế cho thấy, chúng ta cần xây dựng những DN nội địa lớn mạnh, làm chủ công nghệ, đồng thời đảm nhận cả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc phát triển DN cần được thực hiện theo một lộ trình phù hợp và bền vững.

Đồng thời, Nghị quyết 41 nhấn mạnh, “có chính sách tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành DN”.

“Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã”, Nghị quyết 41 cũng chỉ rõ.

Với sự đồng hành và ủng hộ của cộng đồng DN, doanh nhân trên cả nước, Nghị quyết 41 hứa hẹn thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: "Trước mắt, các doanh nghiệp đang khó khăn về thể chế"

TS. Nguyễn Văn Thân
TS. Nguyễn Văn Thân

Tôi nghĩ và ý kiến này tôi cũng sẽ góp ý cho Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, rằng Chính phủ hỗ trợ DN phải tập trung chứ không thể lan man. Cần tập trung vào các DN vừa để họ có lực và tiếp cận được hỗ trợ bởi DN vừa mới có ý thức, có chiến lược để đầu tư. Đầu tiên phải “đẩy” đội DN vừa mạnh lên thì mới kéo các DN nhỏ và siêu nhỏ lên được.

Do vậy, tôi nghĩ nên có ưu ái nhất định đối với DN vừa. Theo đó, cần phải đầu tư, trân trọng và đẩy họ lên. Với số lượng 5% của 1 triệu DN là khoảng 50 nghìn DN vừa, phân bố nhiều trên toàn quốc, chưa nói đến những DN sắp vừa cũng khá lớn nên tôi cho rằng, cần tập trung cho các DN này để thúc đẩy họ phát triển.

Trong quá trình thúc đẩy, hỗ trợ sẽ có những DN lớn lên dần thì chúng ta lại tập trung đến DN nhỏ và siêu nhỏ với hộ kinh doanh cá thể. Nhưng trước mắt DN đang gặp khó khăn về thể chế, mà cụ thể là cải cách thủ tục hành chính nếu không đột phá thì DN rất khó làm.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương: "Chúng ta đang hướng đến xây dựng các DN dẫn đầu, các DN mang tính dẫn dắt, trong khi nguồn lực lại có hạn nên cần có chính sách riêng"

Ông Ngô Chung Khanh
Ông Ngô Chung Khanh

Lâu nay, Chính phủ hay các cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN. Nhưng hiện các chính sách hỗ trợ của chúng ta với các DN còn giống nhau. Trong khi nhu cầu của mỗi DN mỗi khác, ví như có những DN thực sự cần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thì cần chính sách đặc thù, khác biệt.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng các DN dẫn đầu, các DN mang tính dẫn dắt, trong khi nguồn lực lại có hạn nên cần có chính sách dành riêng cho những DN có thể tạo hiệu ứng, kéo theo các DN đi sau thì nên làm. Nếu hỗ trợ cho tất cả DN lớn - bé thì hiệu quả không như kỳ vọng, không tạo được mũi đột phá.

Do đó, cần khu trú lại DN đang làm tốt, đang có thương hiệu tốt, khai phá được các thị trường có hiệp định thương mại tự do và có thể mở rộng hơn nữa. Với đối tượng DN này có thể họ không cần tiền nhưng họ cần quy trình thủ tục nhanh hơn, cấp phép nhanh hơn. Việc này mình làm được nên cần có cơ chế phù hợp thúc đẩy, “cởi trói”, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN. Những hỗ trợ về tiền dành cho DN nhỏ và vừa, còn các DN tiềm lực mạnh cần cơ chế, cơ hội, cần quy trình, sự phối hợp, sự kết nối.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy các biện pháp hỗ trợ dành cho DN rất đa dạng. Với các Bộ, ngành là các chính sách; với địa phương là có các biện pháp hay, có những chính sách mang tính chất địa phương hỗ trợ. Nhưng các biện pháp hỗ trợ hiện đang dàn trải, Trung ương có, địa phương cũng có - việc này không ai cấm nhưng chúng ta nên có định hướng chung để các biện pháp hỗ trợ không bị trùng lắp, không bị chồng chéo và phải kết hợp được với nhau.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp đã sẵn sàng vươn mình"

Bà Bùi Thu Thủy
Bà Bùi Thu Thủy

Chúng tôi thấy còn nhiều trăn trở lắm, tức là các cơ quan nhà nước thì rất mong muốn hỗ trợ, thiết kế rất nhiều những chính sách nhưng mà đến lúc thực thi trong thực tế thì cứ vướng rất nhiều lý do. Do đó, cũng phải xem xét kỹ càng sử dụng chính sách hỗ trợ như thế nào cho tốt nhất.

Khi chúng tôi theo dõi thì lợi nhuận của khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ rất thấp và thậm chí có nhiều năm gần như không có lợi nhuận. Nhưng ở các nước cũng như ở Việt Nam thì nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ lại giúp tạo việc làm. Họ không đóng góp nhiều về ý nghĩa kinh tế nhưng đóng góp về xã hội khi tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân thì sẽ đảm bảo an sinh. Còn đóng góp kinh tế là DN vừa và lớn thì phải có những cái gọi là đầu tư lớn mới có kết quả lớn và sẽ dẫn đến hệ quả “họ lại đóng góp lớn hơn”.

Tôi cho rằng, để giúp DN phát triển đúng như mong muốn, cần phải nhìn và tìm hiểu kỹ xem những DN nào sẵn sàng cho việc vươn lên thì sẽ tập trung để đẩy DN đó lên. Có nghĩa không phải là chúng ta cùng một lúc có thể hỗ trợ cả 900.000 DN, điều đó quá xa vời. Nên trong nhóm 900.000 DN ấy, chúng ta có thể lựa chọn ra 5% hoặc nhiều hơn thì 10% để đẩy. Đây phải là những DN có tiềm năng. Vấn đề là phải đánh giá được những DN có tiềm năng và phải có được cơ sở dữ liệu những DN đó và rõ ràng khi thiết kế chính sách sẽ thiết kế cho nhóm đó. Những DN đấy phải có chính sách riêng, chứ không phải để họ đi chung chung thì không đúng, không trúng.

Ví dụ, với những DN quy mô vừa thì mình phải có những chính sách hỗ trợ quốc tế hóa để họ đi ra thế giới với một chính sách khác rõ ràng. Và khi DN vừa đã thành công thì chính họ sẽ là những DN dẫn dắt DN siêu nhỏ và nhỏ.

Nhật Thu (ghi)

(Còn tiếp)

Đọc thêm