Cần đột phá về hợp tác giữa logistics và ngành hàng

(PLVN) - Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động phát triển logistics đã chỉ rõ việc cần phải liên kết với các ngành hàng sản xuất. Điều này vừa giúp giảm chi phí logistics vừa tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Giữa sản xuất và logistics cần có hợp tác cung cấp dịch vụ trọn gói. (Ảnh minh họa)
Giữa sản xuất và logistics cần có hợp tác cung cấp dịch vụ trọn gói. (Ảnh minh họa)

Thiếu sự liên kết giữa các ngành hàng với logistics

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ cấp phép.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... cả trong nước và với khu vực chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa tối ưu, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.

Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô DN và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Một nguyên nhân quan trọng nữa được nhận diện là “không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB (chịu mọi chi phí trước khi hàng lên tàu) và nhập CIF (chịu mọi rủi ro, tổn thất và chi phí về hàng hóa trừ các khoản tiền được tính vào cước phí vận tải) kể từ khi hàng hóa được giao xong lên tàu ở cảng bốc hàng”. Ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài những nguyên nhân kể trên còn phải nhắc đến sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Lý giải cho tỷ lệ thấp này, ông Hải cho rằng, có thể do mức độ chuyên nghiệp của ngành logistics chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho đối tác; tư duy của nhiều DN sản xuất, thương mại vẫn theo hướng tự làm khép kín mà chưa nhìn nhận được những ích lợi của việc thuê ngoài; thiếu các DN cung cấp dịch vụ logistics có năng lực cũng như kênh thông tin cho các DN sản xuất, thương mại vừa và nhỏ về giải pháp logistics...

Hợp tác cung cấp chuỗi dịch vụ trọn gói

Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã chỉ rõ việc phải “Tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác”. Đây được đánh giá là mấu chốt để nâng cao sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như lĩnh vực logistics.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định, trong tình thế logistisc đã được nhận diện là một mắt xích tối quan trọng của nền kinh tế thì việc tăng cường liên kết giữa các hiệp hội DN logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các DN logistics và DN sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Các hiệp hội cần phát huy vai trò hỗ trợ, kết nối các hội viên với nhau, kết nối cung - cầu dịch vụ logistics. Các DN logistics cùng kết hợp để cung cấp chuỗi dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của DN sản xuất, xuất nhập khẩu thay vì chỉ cung cấp dịch vụ đơn lẻ.

Bên cạnh đó, các DN chủ hàng cần kết hợp để tạo đơn hàng lớn, giúp đạt được mức giá tốt và các điều kiện ưu đãi. Các hiệp hội phát huy vai trò đầu mối kết nối các hội viên của các bên, giúp các DN yên tâm hợp tác, giao dịch nhờ uy tín của hiệp hội. Đồng thời, chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ của các bên, giúp DN tìm kiếm đối tác thuận tiện, dễ dàng.

Ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) cũng cho rằng, để tối ưu hoá hợp tác giữa logistic và sản xuất công nghiệp, các DN của các lĩnh vực, ngành hàng cần đầu tư vào công nghệ và hệ thống thông tin; hợp tác thành lập một hệ thống cộng tác thông qua việc chia sẻ công nghệ và kiến thức, tạo ra các giải pháp mới cho vấn đề chung như quản lý chuỗi cung ứng, giảm thiểu lãng phí và tăng cường sự linh hoạt.

Ngoài ra, logistics và ngành hàng còn có thể hợp tác để phát triển các giải pháp tự động hóa trong quy trình sản xuất và giao nhận hàng hóa như sử dụng robot và hệ thống tự động nhận dạng mã vạch. Điều này giúp giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu suất, đồng thời giảm thời gian và chi phí.

Đọc thêm