Cần giải pháp mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

(PLVN) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thi phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học. (Ảnh: Huy Phạm)
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học. (Ảnh: Huy Phạm)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.

Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Từ đó, ông Lợi mong muốn, xác định rõ các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến.

TS Trần Hồng Nhung, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, Singapore phát triển thần kỳ đứng đầu Đông Nam Á dù xuất phát điểm diện tích nhỏ, tài nguyên ít nhưng đã có chính sách thu hút đãi ngộ nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và tạo nên cú hích mạnh mẽ như hiện nay. Với dẫn chứng này, bà Nhung kiến nghị, muốn có nhân tài, chúng ta cần quan tâm đến bồi dưỡng nhân tài, đảm bảo cơ chế tuyển chọn khách quan chọn được người tài đức đáp ứng được công việc. “Cần tạo cơ hội và tạo môi trường để thu hút nhân tài, nên mở rộng nguồn nhân lực sang khu vực tư nhân để tuyển chọn cán bộ thông qua thi tuyển. Đặc biệt, cần có chính sách “giữ chân” để trọng dụng người tài. Danh phải xứng với thực, nghĩa là tài năng phải đi kèm với quyền lợi và trách nhiệm đối với họ”, bà Nhung lý giải.

Trong khi đó, TS Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, cần chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số. Qua đó góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, theo bà Quyên, cần xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài đã thu hút. Bảng lương này có thể được xây dựng cao hơn 8 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự. “Như mới đây HĐND Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết xây dựng chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ cở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50-200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 đến gần 300 triệu đồng”, bà Quyên nêu ví dụ.

TS Tạ Quang Ngọc đóng góp một số ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. (Ảnh Huy Phạm)

TS Tạ Quang Ngọc đóng góp một số ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. (Ảnh Huy Phạm)

TS Tạ Quang Ngọc, Trường Đại học Luật Hà Nội lại cho rằng, dự thảo Luật cần rõ về vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương, thu nhập bảo đảm ổn định của nhân lực chất lượng cao so với cán bộ, công chức, viên chức khác; quyền và nghĩa vụ của nhân tài, nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô; tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi cho nhân tài… “Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác thì mới có thể giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến Thủ đô”, ông Ngọc đề xuất.

Bế mạc Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, chủ đề Hội thảo là 1 trong 9 chính sách mà dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến. Đây cũng là 1 trong 2 chính sách đột phá của Đảng bộ TP Hà Nội, bao gồm thể chế và thu hút, trọng dụng nhân tài. Vì vậy, theo ông Hùng, chúng ta cần tạo cơ chế để thu hút, giữ chân và làm sao để nguồn nhân lực chất lượng cao đến Hà Nội để cống hiến cho Thủ đô.

Với các ý kiến tham gia Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng kỳ vọng, Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ nghiên cứu tiếp thu, góp phần hoàn thiện để dự thảo Luật được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Đọc thêm