6 năm thí điểm, lập gần 43 nghìn vi bằng
Trên thực tế, vi bằng do TPL lập chủ yếu là để ghi nhận các hành vi thực hiện giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng tài sản, công trình; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm diễn ra các giao dịch mua bán; ghi nhận sự kiện diễn ra cuộc họp của công ty; ghi nhận hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ; ghi nhận hành vi bàn giao tiền, tài sản, giấy tờ; ghi nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức...
Trong thời gian thực hiện thí điểm (khoảng 6 năm), thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, các văn phòng TPL đã lập 42.911 vi bằng, doanh thu 59 tỷ đồng. Trong năm 2016, các văn phòng đã lập 50.156 vi bằng với doanh thu gần 45 tỷ đồng. Từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017, các văn phòng TPL lập 67.043 vi bằng, doanh thu gần 55 tỷ đồng. Qua theo dõi, hoạt động lập vi bằng của TPL tăng ngày càng nhanh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy có một số hạn chế lớn trong hoạt động lập, đăng ký vi bằng thời gian qua. Cụ thể, tình trạng TPL lập vi bằng nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu diễn ra ngày càng nhiều ở các địa phương, dưới hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền theo biên bản tự thỏa thuận của các bên và ghi nhận lời nói, cuộc trao đổi giữa các bên...
Việc này dẫn đến tình trạng người dân nhầm lẫn giá trị pháp lý của vi bằng với giá trị của văn bản công chứng, chứng thực, kéo theo các tranh chấp, khiếu kiện, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ TPL và các văn phòng TPL cũng có dấu hiệu chạy theo số lượng vi bằng để tăng doanh thu, tăng khả năng “cạnh tranh”, thu hút người yêu cầu mà chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện đúng các quy định, chất lượng của việc lập vi bằng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của TPL, cá biệt, có trường hợp TPL, văn phòng TPL chấp hành không nghiêm túc yêu cầu, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Do vậy, đã có trường hợp TPL, văn phòng TPL vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải xử lý. Số lượng vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp ngày càng tăng, loại vi bằng được lập ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương... gây nhiều áp lực cho Sở Tư pháp trong việc bố trí nhân sự, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện thực hiện đăng ký, lưu trữ vi bằng.
Trường hợp nào không lập vi bằng?
Liên quan đến việc lập và đăng ký vi bằng, Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của TPL (chuẩn bị được Chính phủ ban hành) có nhiều nội dung được sửa đổi cơ bản so với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Trong khi chờ Nghị định được Chính phủ ban hành để có cơ sở triển khai thực hiện chính thức, Bộ Tư pháp vừa đề nghị Sở Tư pháp, các TPL lưu ý thực hiện một số nội dung.
Theo đó, về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản: Đối với đất đai, tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, TPL có thể lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi của các bên trao đổi, thỏa thuận về các nội dung trước khi yêu cầu công chứng (liên quan đối tượng mua bán, giá cả mua bán, tiến độ thanh toán,...) và sau khi thực hiện công chứng (việc giao nhận tiền, bàn giao tài sản...).
Trường hợp này, trong vi bằng, cần thể hiện rõ nội dung giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản (tên người sở hữu, thông tin tài sản, số, ngày cấp...).
Đối với đất đai, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu thì Bộ Tư pháp nhấn mạnh TPL không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu dưới bất kỳ hình thức nào (vi bằng giả cách văn bản công chứng). Đối với những tài sản này, TPL có thể lập vi bằng để ghi nhận hiện trạng tài sản.
Bộ Tư pháp cũng yêu cầu TPL cần giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng cho người yêu cầu lập vi bằng được biết để tránh tình trạng nhầm lẫn giá trị pháp lý của vi bằng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực, để tránh người yêu cầu lập vi bằng hiểu sai dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về sau.
Trong vi bằng cần thể hiện việc người yêu cầu lập vi bằng hiểu rõ giá trị pháp lý của vi bằng không phải và không thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Đặc biệt, TPL không được phép lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi mà TPL không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi thông qua lời kể của người khác vì bản chất của vi bằng là tính trung thực, khách quan.
Để chắc chắn về điều này, TPL nên gửi kèm theo vi bằng hình ảnh chứng minh việc TPL đã trực tiếp chứng kiến sự kiện, hành vi để tránh khiếu nại, tranh chấp.