ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng Dự Luật quy định rất nhiều thẩm quyền cho ngành công thương ở Điều 7; đưa ra rất nhiều loại giấy phép quy định về hạn ngạch ở khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 23… Các điều khoản này dễ bị công chức thi hành lợi dụng tạo cơ chế xin - cho và thiếu cơ chế giám sát minh bạch.
Do đó, ĐB đề nghị quy định giảm bớt các loại giấy phép trong dự thảo luật. “Qua nghiên cứu có trên 10 loại giấy phép sẽ được “đẻ” ra từ luật này, đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định. Vì vậy, Dự thảo luật quan tâm cải cách theo xu hướng giảm bớt giấy phép” – ĐB Nhường nói.
ĐB cũng cho rằng 21 điều quy định do Chính phủ hướng dẫn thi hành mà không quy định trực tiếp trong luật sẽ đưa đến có quá nhiều văn bản dưới luật, từ đó hạn chế khả năng áp dụng trực tiếp luật.
Tương tự, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu, thực chất là những biện pháp hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các luật về doanh nghiệp, Luật Đầu tư, theo đó việc hạn chế các quyền này phải được quy định bằng luật. Nhưng Dự thảo Luật giao quyền này cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng các bộ. Quy định như vậy là không phù hợp và nội dung này phải được quy định ngay trong luật và ban hành theo danh mục kèm theo luật tương tự như Luật Đầu tư quy định về kinh doanh có điều kiện. “Các quy định trên đây cũng phải được công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh” – ông nói.
Còn ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị cần rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích hơn nữa giữa nội dung của một số chế định trong luật này với các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban (UB) Đối ngoại của Quốc hội, ĐB QH tỉnh Bình Thuận, cho rằng: Luật cần quy định cụ thể hơn, có như vậy mới có thể quản lý được tình hình phức tạp của hoạt động thương mại quốc tế.
Khẳng định tầm quan trọng của Luật Quản lý ngoại thương, ông Ngô Đức Mạnh cho rằng vẫn còn rất nhiều điều khiến ông băn khoăn: “Rõ ràng, đây là một đạo luật khó. Bởi vấn đề chúng ta xử lý quy định pháp luật về ngoại thương của Việt Nam với nhiều nước. Đặc biệt, khi chúng ta đã là thành viên của WTO. Điều đầu tiên chúng ta phải tuân thủ các quy định quốc tế đối với thành viên của WTO. Nhiều hiệp định thương mại rất quan trọng”.
Ông cho rằng có rất nhiều quy định còn chưa ổn ở luật này, đó là vấn đề quản lý nhà nước về ngoại thương. “Dự án luật chỉ quy định rõ vai trò của Bộ Công Thương và các bộ, ngành ở Trung ương. Vai trò của các địa phương, nhất là các địa phương ở biên giới liên quan đến câu chuyện biên mậu còn chưa được đề cập. Ngay cả các tỉnh trong đất liền, thương nhân, thương lái vào Việt Nam, thu gom, dùng các biện pháp phi thương mại, cạnh tranh không lành mạnh để thúc đẩy thu gom hàng hóa thì giải quyết như thế nào, vấn đề vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý thương mại như thế nào… thì rõ ràng dự án luật chưa được mở rộng. Hay vấn đề khác như nội luật hóa quy định khi Việt Nam tham gia thương mại quốc tế. Rõ ràng là chúng ta chưa có những bước tiến cụ thể trong Luật” - ĐB nói.
Dẫn kết quả của một cuộc khảo sát, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Một cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp ở Việt Nam vào tháng 12 năm 2015 cho thấy mức hiểu biết của DN còn hạn chế. Có hơn 86% doanh nghiệp được hỏi thì hơn 60% doanh nghiệp không biết gì về WTO.
Do đó, điều đặt ra là chúng ta phải có những quy định cụ thể hơn trong Dự án Luật này. Thứ nhất là để nâng cao sự hiểu biết của doanh nghiệp về WTO. Thứ hai là cách thức để thi hành các cam kết của chúng ta. Bởi vì thực tế là các cam kết của Việt Nam không được áp dụng trực tiếp vào pháp luật của Việt Nam mà phải nội luật hóa.
Theo ĐB, cần làm cẩn trọng hơn, chi tiết hơn, phải có những quy định như thế để tránh các thủ tục hành chính, tránh tình trạng không rõ ràng, mập mờ, tránh cơ chế xin - cho. “Bởi một lần cấp phép, nhập khẩu, xuất khẩu, cho phép tạm nhập tái xuất… nếu quy trình thủ tục không rõ ràng thì nó sẽ gây nhầm lẫn, tạo cơ chế xin - cho, phù thuộc vào sự tùy tiện của cơ quan quản lý”.