Ngay sau đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình với cách giải thích thiếu thuyết phục của vị cựu Giám đốc Sở. Bên hành lang của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) nhận xét: “Động cơ bổ nhiệm vì cái gì thì chỉ cơ quan chức năng trả lời được. Nhưng với tư cách là người làm lãnh đạo thì nhìn vào việc bổ nhiệm như vậy có bất hợp lý không?. Khi đề bạt như thế anh phải sử dụng một nguồn lực ngân sách cho chế độ chính sách. Tôi không có trách nhiệm quy kết động cơ của anh, nhưng rõ ràng điều này cho thấy anh là một nhà lãnh đạo tồi.
Nếu cả nước này giải quyết như ông ấy thì thế nào?. Là người làm lãnh đạo thì không làm việc theo cảm tính được. Có nhiều cách để khuyến khích các bạn trẻ nhiệt huyết cống hiến theo mặt bằng chung của xã hội. Anh có bỏ tiền túi không? Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì anh hoàn toàn có quyền làm việc đó. Nhưng ở đây là cơ quan nhà nước thì phải tuân theo các quy định của Nhà nước.
Trong quá trình đó, tôi cũng thấy đáng tiếc là tại sao các cơ quan dân cử ở địa phương, kể cả ĐBQH của địa phương, HĐND của địa phương không lên tiếng sớm mà phải để dư luận xã hội, báo chí lên tiếng, phát hiện”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) thì có ý kiến: “Chuyện một sở có 44 người làm lãnh đạo, chỉ 2 nhân viên thì toàn bộ hệ thống hành chính ở Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy cả. Cách giải thích của ông giám đốc sở về mặt luật pháp là không chấp nhận được mà thực tế cũng không chấp nhận được. Có một quy luật quản lý trong hành chính công cũng như quản lý chung không cho phép một sở mà lãnh đạo 44 còn nhân viên chỉ có 2. Như vậy là phản khoa học, trái quy định pháp luật.
Tôi cũng từng làm lãnh đạo, làm giám đốc một cấp sở. Theo cơ chế hiện nay, một giám đốc sở không thể tùy tiện bổ nhiệm như thế vì liên quan đến ngân sách, lương. Những quyết định về bổ nhiệm cán bộ còn “dính” đến Đảng ủy, Ban Cán sự Đảng và đụng đến các sở khác. Tất cả việc bổ nhiệm nếu bất hợp lý thì phải báo cáo lên UBND tỉnh.
Việc ông giám đốc sở bổ nhiệm nhiều lãnh đạo, theo tôi không phải một mình ông chịu trách nhiệm mà các sở liên quan phải chịu trách nhiệm và người nào ở UBND tỉnh phụ trách sở đó phải chịu trách nhiệm. Nếu những người này không phát hiện, ngăn chặn thì trách nhiệm thuộc về những người đó”.
Gay gắt hơn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng: “Câu trả lời như thế tôi cho là lấp liếm, rất vô trách nhiệm. Nói vì dân nhưng tôi không thể hình dung và tôi cũng không biết vì dân là ở lý do gì”.
Vẫn theo ĐB Nhưỡng, qua vụ việc trên thì Đảng bộ, chính quyền Hải Dương cần vào cuộc một cách hết sức nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn trong vụ việc. “Theo tôi, không chỉ ở Sở LĐTB&XH mà phải rà soát lại tất cả các sở, ban, ngành và đây có thể coi là bài học cho các sở, ngành của các tỉnh trong cả nước để chấn chỉnh lại công tác cán bộ là công tác rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng dễ bị lợi dụng, lạm dụng, bẻ cong”.