Đối với tài sản thi hành án, Điều 101 Luật Thi hành án dân sự đã quy định tài sản của người phải thi hành án bị kê biên phải được bán thông qua đấu giá, trừ một số trường hợp như tài sản có giá trị nhỏ hoặc không ký được hợp đồng với tổ chức đấu giá và thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Pháp luật về thi hành án và pháp luật về đấu giá tài sản đã trao cho Chấp hành viên (CHV) quyền ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá tài sản thi hành án. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là một mắt xích quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án và đây cũng là một trong những cơ sở để nâng cao hiệu quả bán đấu giá tài sản thi hành án và rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án.
Do đó, đòi hỏi CHV phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để thỏa thuận, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản một cách chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá. Tuy nhiên, trong việc bán tài sản thi hành án thì việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của CHV. Trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá tài sản, CHV cần giám sát tổ chức đấu giá xây dựng quy chế đấu giá tài sản.
Luật Đấu giá tài sản quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản”. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 34 Luật Đấu giá tài sản cũng quy định cụ thể những nội dung chính mà quy chế đấu giá tài sản phải có. Quy chế đấu giá là căn cứ để tổ chức đấu giá xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia đấu giá.
Do đó, CHV có trách nhiệm kiểm tra những nội dung trong quy chế có phù hợp với quy định tại Điều 34 Luật Đấu giá tài sản và thỏa thuận mà các bên đã nêu trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hay không. Trường hợp phát hiện quy chế có những điểm không phù hợp với hợp đồng đã ký thì phải yêu cầu tổ chức đấu giá điều chỉnh cho phù hợp. Việc thực hiện các thủ tục tiếp theo chỉ được tiến hành khi tổ chức đấu giá hoàn chỉnh việc ban hành và thông báo công khai về quy chế đấu giá tài sản.
CHV phải kiểm tra việc thực hiện niêm yết của tổ chức đấu giá, cụ thể kiểm tra thời gian, địa điểm niêm yết và thông tin chính phải niêm yết theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của UBND cấp xã. CHV cần yêu cầu tổ chức đấu giá cung cấp các chứng cứ chứng minh việc mình đã thực hiện việc thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá.
Để hạn chế tối đa việc thao túng hoạt động đấu giá, Luật Đấu giá tài sản đã quy định: ‘Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày”.
Trên thực tế, có một số tổ chức đấu giá đã không thực hiện việc bán hồ sơ hoặc không cử người tiếp nhận hồ sơ để hạn chế người tham gia đấu giá dẫn đến khiếu nại. Việc vi phạm trong bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá là căn cứ để CHV có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Do đó, CHV phải giám sát chặt chẽ hoạt động này của tổ chức đấu giá. Khi nhận được thông tin về việc tổ chức đấu giá vi phạm về việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá CHV phải tiến hành kiểm tra và xử lý ngay tránh tình trạng tài sản được bán đấu giá thành mới tiến hành giải quyết khiếu nại.