Những hành vi thiếu kiểm soát
Vào dịp lễ vừa qua, nhiều gia đình đưa con nhỏ đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội), đây là một “địa chỉ đỏ” được người dân yêu mến trong thời gian qua. Bên cạnh vẻ đẹp màu cờ sắc áo, sự hân hoan của du khách, còn đó những hình ảnh mất mỹ quan. Một số người dân bất chấp quy định cho trẻ trèo lên các hiện vật như xe tăng, pháo, máy bay,... để chụp ảnh tạo ra hình ảnh lộn xộn, mất trật tự.
Đa phần người dân Việt Nam đều có hành xử văn minh, lịch sự khi cư xử tại nơi công cộng. Nhưng vẫn còn đó một bộ phận thiếu kiểm soát cảm xúc trong hành vi, lời nói, gây ra hình ảnh mất thẩm mỹ, bức xúc, khó chịu cho cộng đồng. Đặc biệt trong các dịp lễ, khi có rất nhiều chương trình, hoạt động giải trí được Nhà nước tổ chức cho người dân. Trong khoảnh khắc đông vui, nhộn nhịp, không ít người mất sự kiềm chế, có các hành động bộc phát tức giận, vui mừng, phấn khích quá độ.
Cũng trong dịp nghỉ lễ vừa qua, có một đoạn video ghi lại cảnh một nhóm thanh niên tranh cãi lớn tiếng với các cựu chiến binh trong lúc xếp hàng chờ xem lễ diễu binh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng vào rạng sáng 30/4. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhóm bạn trẻ không đồng ý nhường chỗ và đã có thái độ cư xử thiếu tôn trọng với người lớn tuổi. Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ bức xúc, cho rằng đây là hành vi vô lễ cần bị lên án. Sau khi đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhóm thanh niên đã gửi lời xin lỗi đến cộng đồng và các cựu chiến binh.
Thực tế, ai cũng có những lúc nóng giận, không làm chủ được bản thân trước những sự việc, nhưng không phải vì thế mà tự cho bản thân quyền được mắng mỏ, sỉ nhục người khác ở nơi công cộng. Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH), sự việc lần này là một lời cảnh tỉnh nghiêm túc về ý thức ứng xử nơi công cộng. Bất cứ ai, không chỉ sinh viên, chỉ phút chốc nóng giận, mất kiểm soát đều có thể phải đánh đổi cả hình ảnh cá nhân và gây tổn thương đến cộng đồng. Nhất là ở thời đại mà mọi hành vi, lời nói đều có thể bị ghi lại và lan truyền trong vài giây…
Làm gì để nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng?
Tiến sĩ Đào Minh Hồng, trong buổi tọa đàm mang tên “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng” tại TP HCM từng đã có những chia sẻ trẻ em Việt Nam có xu hướng càng lớn, càng thiếu ý thức hành xử văn minh nơi công cộng. Tiến sĩ cho biết, nguyên do, vào lứa tuổi mầm non, tiểu học, các em thường xuyên được thầy cô, bố mẹ giáo dục văn hóa, cách ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, khi lớn lên, trường học phần lớn chỉ chú trọng giảng dạy kiến thức. Ở lứa tuổi trẻ trung, sôi nổi, giàu sức sống các em khao khát thể hiện “cái tôi” bằng cách phá bỏ những nguyên tắc. Điều này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến cách cư xử nơi công cộng của thanh, thiếu niên khi trưởng thành.
Nhiều tỉnh, thành phố đã có bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng dành cho người dân.
Tuy nhiên, để thay đổi cách ứng xử nơi cộng cộng của người dân tận gốc, cần phải đầu tư mạnh vào giáo dục tại các trường học. Không chỉ tại cấp mầm non, tiểu học các em được gia đình, nhà trường hướng dẫn, dạy bảo cách hành xử văn minh, lịch thiệp mà ngay khi lên cấp II, cấp III, đại học vẫn cần tiết học ngoại khóa dạy về văn hóa nơi công cộng cho các em.
Với những phương thức truyền thông đổi mới, nhiều trường hợp ứng dụng mạng xã hội, với cách tuyên truyền trẻ trung, dễ tiếp cận với học sinh, sinh viên, thanh niên. Nhờ đó, các không gian khác nhau, các đối tượng đều được tiếp cận nhờ các hoạt động tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, địa phương cần tiếp tục, kiên trì nỗ lực lan truyền hình ảnh văn minh, thanh lịch khi ứng xử nơi công cộng của những cá nhân, tổ chức. Đây là nguồn cảm hứng để mọi người trong xã hội tiếp tục thay đổi, hoàn thiện bản thân để mọi nơi công cộng ở Việt Nam luôn giữ hình ảnh đẹp, lịch sự, trang nhã.