Cần hành động để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 20 - 21/11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” (18 - 24/11).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông qua Hội nghị, Bộ Y tế kêu gọi hành động từ các cá nhân, mọi thành phần trong xã hội và nền kinh tế, bao gồm cả sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu. Đòi hỏi hành động đa ngành khẩn cấp để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. WHO đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành phần trong xã hội cá nhân cùng chung tay thực hiện và hỗ trợ những sáng kiến của Chiến lược này nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như sức khỏe của các thế hệ tương lai”, lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, tại bệnh viện, bác sĩ chứng kiến những ca bệnh nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa, bởi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng gần hết kháng sinh, thậm chí tất cả kháng sinh trên thị trường. “Chính vì vậy, chúng ta cần hành động để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh. Đại diện khối bệnh viện, bệnh viện Bạch Mai cam kết thực hiện nghiêm chỉnh, triển khai hiệu quả nội dung, mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh. Bệnh viện xây dựng các phác đồ chuyên môn, cập nhật hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, xây dựng phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm mới nổi”, PGS Giáp thông tin.

Trong khi đó, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, để giảm tình trạng kháng thuốc cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc. Theo đó, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2022 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện vào năm 2025, duy trì đến năm 2030. Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật. Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ, sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc. Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến quận, huyện trở lên triển khai các hoạt động chương trình quản lý sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030…

Về vấn đề này, Tiến sĩ Angela Pratt - đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ và sự hưởng ứng trong Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ 18 - 24/11/2023 với chủ đề là “cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”. Để đạt được tiến bộ - đặc biệt là về sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý - thời gian tới cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực thống nhất từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực tư nhân, nông dân và quan trọng nhất là mỗi người dân ở Việt Nam. Trong công cuộc quan trọng này WHO và các đối tác khác sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, các Bộ liên quan và các đối tác phát triển đã ký kết Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, làm nền tảng cam kết mạnh mẽ cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.