Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này và để Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội xâm hại tình dục có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
Chánh án cũng đánh giá cao những đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hỗ trợ TANDTC trong việc tổ chức Tọa đàm này. Chánh án mong muốn các chuyên gia, các đại biểu tích cực trao đổi, góp ý về các nội dung liên quan đến Nghị quyết và đưa ra các giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.
Khó chứng minh tội phạm
Báo cáo dẫn đề về dự thảo Nghị quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Nguyễn Chí Công nêu rõ thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, được dư luận đồng tình ủng hộ, qua đó từng bước ngăn chặn loại tội phạm này, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với loại tội phạm này là rất nghiêm khắc.
Tổng số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), Tòa án đã thụ lý 8254 vụ án/8892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7586 vụ án/8113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/ 612 bị cáo. Trong 4 năm (từ năm 2014 đến năm 2017), số vụ án và số bị cáo xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng lại có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng.
“Việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm trong các vụ án này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ. Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục; nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất; nhiều gia đình không tố giác tội phạm do sợ ảnh hưởng đến tương lai con em…”, ông Công nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định từ Điều 141 đến Điều 147 của BLHS năm 2015 về các tội xâm hại tình dục. Theo đó, Nghị quyết hướng dẫn xác định cụ thể thế nào là hành vi giao cấu; hành vi quan hệ tình dục khác; hành vi dâm ô; hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm; một số tình tiết định khung hình phạt; nguyên tắc xử lý người phạm tội…
Phân biệt rõ để định tội
Tại tọa đàm, bà Shelley Casey, chuyên gia luật pháp và giới của UNICEF đã trình bày và phân tích định nghĩa về các loại hình xâm hại tình dục và bạo lực tình dục trẻ em theo chuẩn mực quốc tế; thủ tục điều tra và xét xử nhạy cảm với người chưa thành niên để hỗ trợ người chưa thành niên cung cấp lời khai hiệu quả và giảm sang chấn khi tham gia vào quá trình tố tụng. Từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đã góp ý cụ thể đối với các quy định của dự thảo Nghị quyết. Trong đó, liên quan tới nội dung về các thủ đoạn khác mà người phạm tội sử dụng để xâm hại tình dục, ông kiến nghị trong trường hợp nạn nhân không có khả năng biểu lộ ý chí rõ ràng, cần phân biệt rõ việc nạn nhân không phản kháng hoặc phản kháng miễn cưỡng với phản kháng mạnh mẽ rồi bị người phạm tội sử dụng vũ lực. Từ đó xác định dấu hiệu để phân biệt giữa tội hiếp dâm và cưỡng dâm.
Đối với tội dâm ô, ông Hiển cho rằng bản chất hành vi này khó chứng minh, trừ khi có hình ảnh hoặc clip, do đó việc người phạm tội có hành vi kích thích tình dục hay tiếp xúc bộ phận nhạy cảm với nạn nhân như quy định trong dự thảo Nghị quyết lại càng khó chứng minh hơn. Ông kiến nghị cần phân biệt rõ giữa việc người phạm tội dùng bộ phận nhạy cảm tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm và dùng bộ phận khác tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội.
Ngoài ra, một số ý kiến tại Tọa đàm còn cho rằng ngoài việc hướng dẫn các tội từ Điều 141 đến Điều 147 thì Nghị quyết cần hướng dẫn áp dụng các tội khác có liên quan như Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm, Điều 327 về tội chứa mại dâm, Điều 328 về tội môi giới mại dâm và Điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Đồng thời Tọa đàm cũng nhận được nhiều góp ý về việc xác định khung hình phạt và nguyên tắc xử lý người phạm tội theo hướng đảm bảo nghiêm minh, có tính răn đe cao, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị xâm hại tình dục, đặc biệt là trẻ em, người chưa thành niên.