Cần hoàn thiện quy định về 'thịt nhân tạo' để bảo vệ người tiêu dùng thời hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 28/3, Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập - gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế”. Vấn đề hoàn thiện pháp lý đối với “thịt nhân tạo” đã được Hội thảo quan tâm đặc biệt.
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, Trưởng Khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc.
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, Trưởng Khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc.
Tham dự buổi hội thảo có đại diện đến từ Bộ Công thương, các luật sư, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia và giảng viên, sinh viên của Trường

Tham dự buổi hội thảo có đại diện đến từ Bộ Công thương, các luật sư, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia và giảng viên, sinh viên của Trường

Theo Hội thảo, hiện nay, quá trình chuyển đổi số đã mang lại cơ hội kinh doanh mới cho nhà sản xuất nhưng cũng gây ra những rủi ro mới cho người tiêu dùng. Do đó, việc bảo vệ người tiêu dùng trở thành một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này. Bởi lẽ, bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trước thực tế đó, phần Hội thảo với chủ đề: “Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm – kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam” đã được các khách mời quan tâm đặc biệt.

TS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, trình bày tham luận về sử dụng côn trùng làm thực phẩm.

TS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, trình bày tham luận về sử dụng côn trùng làm thực phẩm.

Các nhóm tác giả đã chỉ ra nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật, Singapore… đối với việc bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó có 2 vấn đề chính, đó là “sử dụng côn trùng làm thực phẩm” và “thịt nuôi trong phòng thí nghiệm” (cell-cultured meat – CCM). Theo nhóm tác giả, đối với Việt Nam, côn trùng không phải là loại thực phẩm mới. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo đối với thực phẩm về côn trùng. Điều này khiến cho các nhà sản xuất Việt Nam khó tiếp cận các thị trường côn trùng ở các quốc gia khác nhau, hay các vấn đề về ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng...

TS. Nguyễn Thị Kim Anh- Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế trình bày tham luận về “thịt nhân tạo” – CCM

TS. Nguyễn Thị Kim Anh- Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế trình bày tham luận về “thịt nhân tạo” – CCM

CCM hay có thể hiểu là “thịt nhân tạo” cũng là một lĩnh vực mới, một loại thực phẩm mới cho nước ta. Hiện nay, pháp luật Việt Nam thiếu quy định về khái niệm thực phẩm mới nói chung và CCM nói riêng. Việt Nam chỉ mới ghi nhận loại thực phẩm biến đổi gen tại Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn.

Theo nhóm tác giả, các quy định hiện hành của Luật An toàn Thực phẩm về thực phẩm nói chung hoàn toàn chưa giải quyết được các rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến CCM. Xuất phát từ sự khác biệt cơ bản giữa CCM và thịt truyền thống nói riêng và các sản phẩm thực phẩm khác nói chung, dẫn chiếu từ luật pháp quốc tế, nhóm tác giả cho rằng sự thay đổi, bổ sung trong quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam là điều cần thiết.

Xét từ kinh nghiệm quốc tế đối với bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhóm tác giả chỉ ra 8 yếu tố mà người tiêu dùng cần được bảo vệ, đó là: Quyền được thoả mãn các nhu cầu cơ bản trong tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm; quyền được an toàn khi tiêu dùng thực phẩm; quyền được thông tin về thực phẩm của người tiêu dùng; quyền được chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường thiệt hại; quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng thực phẩm và cuối cùng là quyền được sử dụng thực phẩm sạch. Trong đó, “quyền được an toàn” của người tiêu dùng được tác giả chú trọng nhất.

Một nội dung khác cũng được chú ý là chủ đề: “Bảo vệ thông tin người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng”. Hội thảo bàn luận xoay quanh các vấn đề như: Bất cập nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động quảng cáo thương mại trên mạng xã hội; pháp luật Liên minh châu Âu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên không gian mạng; giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các phương thức giải quyết tranh chấp đối với người tiêu dùng tại một số quốc gia...

Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Hội thảo nhận định, các nước tiên tiến trên thế giới đã chủ động xây dựng hệ thống pháp lý khá chặt chẽ, phù hợp với bối cảnh hội nhập hiện nay. Do đó, việc bảo vệ người tiêu dùng của họ được, chặt chẽ và tối ưu hóa. Đối với một quốc gia đang trên đà phát triển và hội nhập thì việc học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc bảo vệ người tiêu dùng là điều nên làm.

Đọc thêm