Cần không ngừng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân

(PLO) - Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi hơn. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước, tác động xấu đến phát triển kinh tế, an toàn xã hội cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2015, trên cả nước đã khởi tố 72.450 vụ án, 109.096 bị can, tuy có giảm 7,01% về số vụ và 9,87% về số bị can so với năm 2014 nhưng xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, nổi lên là tội phạm ma túy, giết người, cướp tài sản... Trong khi đó, kết quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người dân; việc xử lý vi phạm pháp luật chưa được xem xét đến cùng, gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận.

Năm 2016, qua tổng hợp kết quả theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước, về cơ bản việc tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ đã được thực hiện nghiêm túc; các văn bản đã ban hành đúng trình tự, thủ tục, kịp thời, có tính khả thi cao; việc theo dõi thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhìn chung, tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở các địa phương ngày càng được cải thiện, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì mức độ tuân thủ pháp luật vẫn còn thấp, chưa tương xứng với kết quả thu được trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian qua. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Một số lĩnh vực mức độ vi phạm pháp luật còn cao như an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, đất đai, xây dựng, nhà ở... Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ phát hiện tội trộm cắp, cướp giật còn thấp; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài chính ngân hàng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... đang diễn biến phức tạp nhưng số vụ phát hiện còn ít; số vụ phát hiện tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế và tiếp tục giảm cả số vụ và số bị can. Trong xử lý vi phạm hành chính, số vụ vi phạm nghiêm trọng nhiều nhưng số vụ bị kiến nghị xử lý hình sự còn rất ít, chỉ chiếm 0,1%. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp chưa hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình hình vi phạm pháp luật nêu trên là do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị áp dụng pháp luật để giải quyết công việc chưa đúng trình tự thủ tục luật định, nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật quy định còn chồng chéo nên khó khăn trong việc áp dụng. Công tác giáo dục, thuyết phục để các bên đương sự hiểu và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của mình trong việc thi hành bản án, chấp hành quyết định của Tòa án và các quyết định khác chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho giới trẻ còn hạn chế dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống và có xu hướng sử dụng bạo lực trong giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Ngoài ra, những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, những hạn chế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội cũng có tác động nhất định tới việc tuân thủ pháp luật của người dân.

Vì vậy, để cải thiện chất lượng thực thi và tuân thủ pháp luật, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác tổ chức thi hành pháp luật vì đây là khâu then chốt, quyết định hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong đời sống xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật, tập trung thời gian, nguồn lực để đảm bảo cho công tác soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết, phổ biến, tập huấn và các điều kiện bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ công chức thực thi pháp luật cần bảo đảm nâng cao trình độ và kỹ năng áp dụng pháp luật, thường xuyên được tập huấn bồi dưỡng, có tính chuyên nghiệp, nâng cao đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. 

Đọc thêm