Cần khuyến sinh cho các tỉnh, thành có mức sinh thấp nghiêm trọng

(PLVN) - Trước thực trạng một số địa phương có mức sinh thấp nghiêm trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú cho rằng, cần phải có chính sách khuyến sinh cho các tỉnh, thành này để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong hơn 25 năm qua, nhờ công tác kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm gần 27 triệu người, tương đương với dân số của 27 tỉnh có quy mô dân số trung bình ở nước ta hiện nay. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chưa phản ánh đúng bản chất mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng. Theo thống kê, miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là những vùng có tỷ suất sinh rất cao.

Nếu tỷ suất sinh thô cả nước hiện là 16 đến 17‰, tỷ suất sinh ở các tỉnh này lên đến gần 30‰. Trong khi đó, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long lại có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 - 1,6 con), như: Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con); Cà Mau (1,62 con); Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất, chỉ 1,33 con – mức đáng báo động…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng đồng thời cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số.

Tuy đã đạt mức sinh thay thế, tốc độ gia tăng dân số đã được kiểm soát nhưng Liên Hợp quốc dự báo, thời gian tới, mức sinh của nước ta còn biến động khó lường: Hoặc là tăng trở lại hoặc là tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải.

Cả hai giả định trên đều gây hệ lụy không tốt đến nhân khẩu học, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho hiện tại và tương lai. Mặt khác, thực trạng, xu hướng tiếp tục chênh lệch mức sinh giữa các địa phương sẽ gây ra sự bất lợi về nhân khẩu học trong tương lai, càng làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo giữa các địa phương trong cả nước. 

Trước tình hình mức sinh giữa các vùng có sự chênh lệch lớn, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh: Tổng cục đang khẩn trương hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng. Nội dung Đề án sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, thực hiện duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế.

Đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể trong Đề án này. Hiện, quy mô dân số của nước ta còn lớn, do vậy cần có sự điều chỉnh, hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm, gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại, nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao.

Ông Tú nêu rõ, để duy trì mức sinh thay thế đúng theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu, thực hiện đúng theo thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tập trung nuôi dạy con cái được tốt nhất.

Ông Tú cho rằng, cần phải có chính sách khuyến sinh cho các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nghiêm trọng. Nước ta cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực, không để mức sinh tụt quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy, một khi mức sinh xuống rất thấp, rất khó để tăng trở lại dù có chi khoản phí lớn để khuyến sinh. Hiện, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao. 

Đọc thêm