Cần làm gì khi trẻ bị sốt virus?

(PLO) -Sốt virus là bệnh lây lan rất nhanh và dễ biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, nhiều nhất là ở trẻ em và đặc biệt là trong khoảng thời gian giao mùa nóng - lạnh.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt virus?

Thời tiết chuyển mùa luôn là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh phát triển mạnh; đối với trẻ em, sức để kháng còn yếu nên đây là thời điểm bé rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan tới hô hấp, sốt virus,...

Triệu chứng nhận biết

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.

[IMG]

Đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.

Đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.

Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Những biến chứng nguy hiểm

- Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

- Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.

- Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.

- Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt mà trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được thì bố mẹ cần cẩn thận.

- Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Nên chăm sóc trẻ sốt virus

Các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là:

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ/lần.

Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Kết quả hình ảnh cho cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt virus

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín./.