Cần loại bỏ những quảng cáo phản cảm

(PLVN) - Hàng triệu khán giả từng bức xúc khi bị các nhà đài chọn “giờ vàng”- bữa cơm gia đình để quảng cáo thuốc đại tràng với một người đàn ông khắc khổ nhăn nhó ôm bụng chạy vội vào toilet, hay clip quảng cáo nước tẩy bồn cầu với hình ảnh các loại vi khuẩn…
Nhiều ý kiến cho rằng cần thường xuyên kiểm tra các quảng cáo. (Hình minh họa)
Nhiều ý kiến cho rằng cần thường xuyên kiểm tra các quảng cáo. (Hình minh họa)

Ức chế vì quảng cáo 

Ở Việt Nam hiện nay, những quy định pháp lý trong quảng cáo chưa chặt chẽ, thiếu các quy tắc mang tính ràng buộc về văn hóa, trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh quảng cáo. Ðể gây sự chú ý, đơn vị quảng cáo và cả nhà đài sản xuất một số clip quảng cáo không phù hợp với văn hóa Việt, gây ức chế, khó chịu cho khán giả; không ngần ngại vi phạm sử dụng những ngôn từ phóng đại, cường điệu quá mức thực tế, kiểu như "biến cái không thể thành có thể", lợi dụng sự tin tưởng để kiếm tiền của khách hàng bằng các thông tin, hình ảnh không trung thực...

Còn nhớ, một quảng cáo sản phẩm gội đầu có sự góp mặt của Hoa hậu đã bị dư luận phản ánh gay gắt khi cô gái được mẹ bạn trai hỏi bí quyết để có mái tóc đẹp: “"Cháu duỗi tóc ở tiệm à?". Cô gái cười và trả lời chỏng lỏn: “À không, chỉ là R… thôi mà!". Câu trả lời này bị cho là vô lễ, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, hoàn cảnh được hỏi.

Một cảnh phản cảm khác là quảng cáo sản phẩm tương ớt. Một cô gái đang ngồi ăn trên tầng cao, không may giọt tương lại văng xuống đúng mặt chàng trai đi đường. Cô gái hốt hoảng, lao vội xuống tìm chàng trai và vô tư thè lưỡi liếm…giọt tương ớt đó. Nhà sản xuất clip quảng cáo muốn “nâng tầm” giá trị tương ớt nhưng đã “hạ nhục” giá trị người con gái.

Lại có clip quảng cáo cho bột giặt đã tạo “ấn tượng” bằng cách để chiếc áo trắng bay từ căn hộ chung cư “chu du” qua sự quăng quật của người đi đường rồi nhờ bột giặt, chúng trắng sáng như mới. Clip này gây phản cảm khi đã “vẽ” lên bức tranh người Việt sống…

Ức chế khác dành cho hàng triệu khán giả là họ bị “tấn công” quảng cáo. Một bộ phim truyền hình có độ dài từ 30-40 phút, khán giả bị “ép” phải xem hàng loạt quảng cáo đan xen. Chưa kể, mỗi lần quảng cáo, nhà đài lại bật tiếng với âm lượng to hơn hẳn để thu hút khán giả. Sự ức chế của khán giả lại tăng lên.

Bức xúc nhất phải kể tới việc các nhà đài chọn “giờ vàng” để quảng cáo. Cứ tới giờ trưa, chiều tối, cả nhà đang quây quần ăn cơm, nhà đài lại “khuyến mãi” các clip: quảng cáo thuốc đại tràng với một người đàn ông khắc khổ nhăn nhó ôm bụng chạy vội vào toilet, clip quảng cáo nước tẩy bồn cầu với hình ảnh một bồn cầu hôi hám với đội quân vi khuẩn hùng hậu; clip quảng cáo nấm da đầu với những vết lở loét, gầu từng mảng, tóc rụng rơi lung tung; clip quảng cáo băng vệ sinh của phụ nữ trực diện… Thậm chí, có clip quảng cáo đưa hình ảnh quẹt tay vào bồn cầu gây phản cảm. 

Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát

Tại hội thảo “Đạo đức và trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, cần đẩy mạnh thực hiện và đưa “Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo” do Bộ  Văn hóa thể thao và du lịch ban hành năm 2017 đi vào cuộc sống nhằm kéo giảm và loại bỏ những quảng cáo không phù hợp với văn hóa Việt, sai sự thật, phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Bà Vũ Thu Thủy - Cục Văn hóa thông tin cơ sở cho hay, tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo, hoạt động quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức kinh doanh… hiện vẫn còn diễn ra nhiều nơi, thậm chí quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Để góp phần chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ  Văn hóa thể thao và du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo nhằm nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời định hướng đưa hoạt động quảng cáo trong nước phù hợp với tiêu chuẩn quảng cáo quốc tế, tôn trọng lợi ích của công chúng và người tiêu dùng, bảo vệ nhóm người yếu thế.

Ông Đỗ Kim Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam cho rằng, bên cạnh hệ thống pháp luật, các nước tiên tiến đều có bộ nguyên tắc áp dụng trong hoạt động quảng cáo để điều chỉnh những nội dung quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, bộ quy tắc đó phải mềm dẻo, gần gũi hơn với đời sống nhằm điều tiết những hành động quảng cáo thiếu tích cực, ảnh hướng xấu đến đời sống xã hội.

Đối với Việt Nam, nền công nghiệp quảng cáo đang phát triển rất mạnh, đi cùng với đó tình trạng vi phạm phát luật quảng cáo vẫn còn diễn ra phổ biến. Vì thế, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quảng cáo sản phẩm đến người tiêu dùng và có ngay khuyến cáo kịp thời để điều chỉnh lại nội dung quảng cáo sản phẩm cho chính xác, trung thực và cảnh báo đến người tiêu dùng về những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính tiện dụng của sản phẩm với khách hàng, người tiêu dùng…

Bên cạnh đó là trách nhiệm của các đơn vị truyền thông trong việc thẩm tra, kiểm định lại thông tin quảng cáo.

Quảng cáo có trách nhiệm - đó là điều mà dư luận đòi hỏi và nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đang hướng tới, qua đó thể hiện trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng và xã hội.

Đọc thêm