Thận trọng với du lịch trực tuyến

(PLVN) - Xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển thì sự lớn mạnh của các trang đại lý trực tuyến là điều tất yếu. Tuy nhiên thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt nhiều bất cập, ví như hiện tượng tự phong sao “ảo”, bán phá giá, lừa đảo trực tuyến, trốn thuế… khiến các cơ quan chức năng ngày càng “đau đầu” hơn với bài toán quản lý.  
Thận trọng với du lịch trực tuyến

“Vàng thau lẫn lộn” 

Các nền tảng đại lý trực tuyến về đặt phòng, đặt tour có lượng truy cập đông đảo nhất hiện nay phải nhắc tới Booking, Agoda, Airbnb, Tripi… bên cạnh những ứng dụng trực tuyến phổ biến đề đánh giá như Google, TripAdvisor…

Đáng chú ý, mỗi trang web này đều có thuật toán phân loại, cấp sao khác nhau và chắc chắn không thể giống với tiêu chuẩn sao do Tổng Cục Du lịch Việt Nam xếp hạng. Cụ thể, nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng mới chưa được thẩm định về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ vẫn gắn mác 3 – 4 sao trên những kênh trực tuyến này, gây ra nhiều hiểu nhầm đối với du khách khi sử dụng những kênh trực tuyến này.

Trong khi đó, những khu nghỉ dưỡng này định giá thuê phòng thấp hơn nhiều, ép thấp giá thị trường, gây ảnh hưởng tới những khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn đã được Tổng cục du lịch xét duyệt, cấp hạng sao hợp pháp.

Chủ một khách sạn tại Hà Nội thừa nhận khi bán phòng qua đại lý trực tuyến, phía khách sạn tự chủ động cung cấp các thông tin về giá, dịch vụ, hình ảnh, nên việc “nói quá lên chút” so với thực tế cũng là một chiến lược để thu hút khách hàng.

Theo đó, các khách sạn sẽ được phân một tài khoản dùng để cập nhật hình ảnh, giá cả, dịch vụ, sản phẩm trên website của đại lý trực tuyến, đồng thời được quyền cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh khách sạn, thay đổi giá cả theo từng thời điểm cũng như cung cấp chính sách khuyến mãi lên các trang web của đại lý trực tuyến.

Thỉnh thoảng cũng có trường hợp khi những hình ảnh của khách sạn không đẹp, đại lý trực tuyến cũng có bộ phận thiết kế hỗ trợ chỉnh sửa ngôn từ, hình ảnh để hấp dẫn nhưng sẽ không làm thay đổi quá nhiều nội dung giới thiệu.

Với ưu thế nhanh, tiện, giá rẻ nên du lịch trực tuyến đang được du khách ưa dùng
Với ưu thế nhanh, tiện, giá rẻ nên du lịch trực tuyến đang được du khách ưa dùng

Dù hiện nay, phần lớn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài có xu hướng đặt phòng qua các đại lý trực tuyến, nhưng khi gặp sự cố, các đại lý trực tuyến thường không liên quan mà khách hàng tự liên hệ giải quyết với khách sạn, công ty cung cấp tour. Các cơ sở lưu trú khẳng định mình không tự phong sao, còn các trang đại lý trực tuyến cũng chối bỏ trách nhiệm ở phía mình. Vậy nên không ít người gặp phải cảnh dở khóc dở cười vì quảng cáo một kiểu, thực tế lại khác. 

Mạng xã hội cũng từ lâu đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để rao bán các mặt hàng, là cầu nối kinh doanh các dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch lữ hành, kết nối các tour thăm quan giữa hành khách với hướng dẫn viên của họ.

Tuy nhiên, việc kinh doanh du lịch online qua mạng hiện nay đang được thực hiện một cách tràn lan bởi các chủ thể không rõ nguồn gốc, thậm chí không phải các công ty du lịch làm sinh ra hiện tượng kinh doanh “chui” và sử dụng hướng dẫn viên giả, hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề.

Không như các công ty du lịch thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các công ty du lịch online không đăng ký dưới sự quản lý của Bộ nên việc kinh doanh hay hoạt động qua môi trường online sẽ rất khó để cơ quan chức năng quản lý cũng như kiểm duyệt. 

Khó quản lý!

Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định hành lang pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, quảng cáo online như Luật an ninh mạng, Luật quảng cáo, Luật du lịch và gần đây nhất là Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, những hành vi vi phạm bao gồm: doanh nghiệp lữ hành hoạt động không đăng ký kinh doanh; không cung cấp thông tin về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch; không công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc trong hợp đồng lữ hành hoặc trên ấn phẩm quảng cáo hoặc trong giao dịch điện tử; tự ý thay đổi chương trình du lịch, tiêu chuẩn, dịch vụ đã ký kết mà không được sự đồng ý của khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch; sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch; hay nội dung quảng cáo không bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo... Tùy vào mức độ vi phạm, doanh nghiệp lữ hành có thể bị phạt hành chính từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng; thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Du khách cảnh giác với tình trạng công ty “ma” giả danh các công ty lữ hành hoặc bị đại lý trực tuyến "mang con bỏ chợ"
Du khách cảnh giác với tình trạng công ty “ma” giả danh các công ty lữ hành hoặc bị đại lý trực tuyến "mang con bỏ chợ" 

Tuy nhiên, việc nhận dạng và xử lý những hình thức kinh doanh du lịch trực tuyến có dấu hiệu gian dối hoặc lừa đảo trên nền tảng công nghệ hiện đại vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng và quản lý nhà nước.

Chỉ nói riêng việc quản lý đưa thông tin giả lên mạng xã hội, diễn đàn, trang web đại lý trực tuyến, đặc biệt các website quốc tế, đã là một vấn đề nan giải do tính biến động cao. Bên cạnh đó, các ứng dụng mua bán, thanh toán trực tiếp, chuyển tiền từ nước ngoài gây thất thu ngành du lịch trong nước.

Ngày càng khó kiểm soát những công ty “ma” giả danh các công ty lữ hành, cung ứng dịch vụ du lịch cả trong và ngoài nước. Chưa kể tới việc quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú qua đại lý trực tuyến từ nước ngoài như Airbnb đang là thách thức lớn bởi pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản luật cụ thể liên quan đến công tác quản lý hành chính đối với dịch vụ kinh doanh này.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý cũng không nắm rõ được số lượng cụ thể những người tham gia kinh doanh vì họ không khai báo với chính quyền, tài khoản ảo hôm nay lập ra ngày mai có thể xóa đi được dễ dàng.

Đọc thêm