Hội nghị do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt tổ chức sáng qua (9/12).
Vi phạm cũng có… “khung giờ vàng”
Ngày 11/11/2013, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế (đây là một trong những nội dung thuộc Dự án Phòng chống rượu bia và lái xe do Quỹ Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu, Trường Đại học Johns Hopkins). Với ưu điểm khi kiểm tra lái xe không phải xuống xe, không có vi phạm thì được phép đi luôn, không kiểm tra giấy tờ.
Sau 20 ngày thí điểm, đã tổng kiểm soát 3.501 lượt phương tiện; phát hiện, lập biên bản xử lý 170 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 4,9%), phạt 930,8 triệu đồng; nhiều ô tô, mô tô bị tạm giữ, nhiều người điều khiển phương tiện bị tước giấy phép lái xe (GPLX). Đáng chú ý, 80% người vi phạm là tài xế lái xe con; 100% người vi phạm là nam giới, độ tuổi phổ biến từ 22-50; khung “giờ vàng” của vi phạm là sau bữa sáng, trưa và tối.
Tuy nhiên, theo Đại tá Đỗ Văn Lực – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - ở tỉnh này cũng gặp một vài khó khăn như phải lựa chọn thực địa tốt như đường một chiều, lòng đường rộng, có đất trống làm bãi đỗ xe... Không ít lần, người vi phạm quay đầu xe bất chợt để bỏ chạy, nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) cao; đi đường vòng tránh khu vực kiểm tra; nhờ người khác điều khiển hoặc dừng đỗ chờ hết giờ làm việc của Tổ kiểm tra.
Đặc biệt, căn bệnh “cháu chú Nhanh” từng xuất hiện ở Hà Nội vẫn là “chứng nan y” ở Quảng Ninh khi nhiều trường hợp người vi phạm có thái độ không hợp tác, gọi điện nhờ can thiệp…
Luật hóa việc cấm công chức sử dụng bia, rượu
Tình trạng vi phạm quy định nồng độ cồn hiện diện ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước chứ không chỉ cá biệt Quảng Ninh. Chỉ từ 16/10 đến 15/11, TP.HCM có 1.403 trường hợp, Hà Nội có 246 trường hợp vi phạm…
Dùng pháp luật để ngăn chặn “ma men” là giải pháp được Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) nhấn mạnh. Theo ông Nghị, không có nước nào mà việc mua bán, sử dụng bia, rượu thoải mái như ở Việt Nam. Người Việt nói chung và giới công chức nói riêng sử dụng bia, rượu rất nhiều, kể cả trong giờ làm việc, chính là nguyên nhân quan trọng làm tăng nhanh con số TNGT.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia - việc tăng cường phòng chống, kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Tới đây, Ủy ban ATGT quốc gia và Cục CSGT đường sắt, đường bộ sẽ tập trung triển khai tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và làm quyết liệt từ nay đến qua Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014…