Cần mạnh tay với nhạc chế phản cảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhạc chế là một tồn tại nhiều năm song song với dòng nhạc chính thống và đã có không ít bài nhạc chế bước qua ranh giới phản cảm. 
Lê Dương Bảo Lâm biểu diễn bài nhạc chế Doraemon trong một chương trình gameshow
Lê Dương Bảo Lâm biểu diễn bài nhạc chế Doraemon trong một chương trình gameshow

Mới đây, bài nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm về các nhân vật trong truyện Doraemon đã được nhắc đến trong chương trình "Thị hiếu và công chúng - Sản phẩm nhiều lượt xem chưa chắc đã là sản phẩm tốt" của VTV24. Chương trình này đã nhắc đến bài nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm như một sản phẩm xấu, vô nghĩa, “phá nát kí ức tuổi thơ” của nhiều người.

Cả bài hát lẫn nhận xét của chương trình đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng, mà đa phần là ý kiến đồng tình. Không ít người bày tỏ sự bức xúc trước một sản phẩm nhạc chế có lời lẽ thô thiển, phản cảm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến thiếu nhi.

Thực tế, đoạn nhạc chế này đã xuất hiện nhiều lần trên các chương trình truyền hình thực tế. Lần đầu là trong chương trình gameshow "Cặp đôi hài hước" phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long năm 2017, rồi đến gameshow "Sàn đấu ca từ" phát sóng trên HTV7 2019, và lần gần nhất là trong Chương trình gameshow "2 ngày 1 đêm" - đang phát sóng hằng tuần trên HTV7.

Tuy nhiên, chỉ đến khi đoạn clip bài hát xuất hiện trên Tiktok, được nhiều tài khoản chia sẻ thì bài nhạc chế này mới bị phê phán mạnh mẽ.

Bài nhạc được chế lại dựa theo bài hát "Hãy sống cho tuổi trẻ" (nhạc ngoại, lời Việt của Cao Tùng Anh), có phần lời như sau:

"Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito chào đời".

Thực tế, từ hàng chục năm trước đã có bài nhạc chế tương tự phổ biến trong giới trẻ: "Má Chaien thì nghèo, má Xeko thì giàu còn Chaien luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Xuka. Nếu Xuka bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito chào đời". Đoạn nhạc chế này khá phổ biến và không gây dư luận ồn ào vì nó “kể” lại đúng thực tế của câu chuyện Doreamon mà thiếu nhi đều yêu thích.

Riêng đoạn nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm, nhiều người cho rằng không chỉ xuyên tác truyện thiếu nhi mà còn gây lệch lạc nhận thức giới tính với các em nhỏ và giới trẻ, đáng quan ngại.

Thực sự, nhạc chế đã xuất hiện từ rất lâu, song song với dòng nhạc chính thống. Sự phát triển của mạng xã hội càng tạo “đất sống” cho dòng nhạc chế phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những bài nhạc chế dễ thương, mang tính giải trí cho vui thì có không ít bài nhạc chế phản cảm, có lời lẽ thô tục, thậm chí còn có cả dòng “nhạc tù” chế từ lời các bài hát chính thống, mang âm hưởng tiêu cực, hận đời.

Về dòng nhạc chế này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mới đây cũng đã đưa ý kiến: "Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng học sinh hoặc hội chợ nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với mình, đó là sự phỉ báng âm nhạc!".

Mượn sáng tác âm nhạc của người khác để “chế” lại một cách phản cảm, nhiều người không chỉ góp phần gieo “mầm độc” về văn hóa cho khán giả, mà còn có nguy cơ xâm phạm bản quyền âm nhạc. Thiết nghĩ, thời gian tới, khán giả nên mạnh mẽ tẩy chay những sản phẩm nhạc chế “rác”. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để “rác” âm nhạc thế này không còn tràn lan không gian mạng.