Làng nghề truyền thống bứt phá nhờ 'số hóa'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ, nhiều làng nghề truyền thống tại Việt Nam đang từng bước thoát khỏi cảnh tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc vào khách quen hay hội chợ thủ công. Nhờ tận dụng hiệu quả mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, không ít làng nghề đã “hồi sinh” và vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Mạng xã hội - cầu nối giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại

Những nghề thủ công tinh xảo từ gốm sứ, dệt lụa, đan lát đến sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... đã gắn bó với đời sống của người dân Hà Nội từ hàng trăm năm nay. Trước đây, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống của Hà Nội như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Túc… chủ yếu tiêu thụ qua kênh bán hàng truyền thống, hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng mới. Nhiều nghệ nhân lo ngại nghề truyền thống sẽ mai một do thiếu đầu ra ổn định và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Các làng nghề truyền thống phải đối mặt với những thử thách lớn từ việc cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, thay đổi thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là áp lực từ quá trình hội nhập toàn cầu.

Để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số, việc kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại là một yếu tố cần thiết. Các làng nghề thủ công truyền thống buộc phải thay đổi, dần chuyển mình để bắt kịp xu hướng 4.0.

Trong vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và nỗ lực từ chính các nghệ nhân, hộ sản xuất, làng nghề đã bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ. Mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube cùng với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đang trở thành những “kênh bán hàng” mới, giúp các sản phẩm truyền thống tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng, tạo cầu nối giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại. Công nghệ số mang lại cơ hội phát triển thị trường trực tuyến cho các sản phẩm thủ công truyền thống. Việc áp dụng thương mại điện tử sẽ giúp các sản phẩm của làng nghề không chỉ tiếp cận thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đến thăm các làng nghề truyền thống ở Hà Nội giờ đây, du khách không chỉ được tham quan, mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm mà còn có cơ hội chứng kiến những người nghệ nhân, người dân ở các làng nghề bán hàng qua nền tảng số.

Các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang mang lại giá trị mới cho các sản phẩm truyền thống. (Ảnh: Trung Quân)

Các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang mang lại giá trị mới cho các sản phẩm truyền thống. (Ảnh: Trung Quân)

Tại làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội), nhờ các video ngắn trên TikTok - trong đó nổi bật là clip nghề làm hương của TikToker @marynhin với hàng triệu lượt xem. Video này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm truyền thống mà còn thúc đẩy du lịch làng nghề. Đặc biệt, các video này giúp làng nghề hương Quảng Phú Cầu tăng doanh số đáng kể qua đặt hàng trực tuyến. Còn làng nghề sơn mài Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội), nghệ nhân Vũ Văn Đình đã lập fanpage, kênh TikTok để giới thiệu sản phẩm, đồng thời tham gia các khóa đào tạo livestream bán hàng. Hiện nay, sản phẩm của ông đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử và được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc.

Sôi nổi không kém là làng Phú Túc - thủ phủ mây tre đan Hà Nội, gia đình bà Nguyễn Thị Lương đã mở rộng sản xuất, tăng gấp đôi số lao động nhờ đơn hàng đều đặn qua Shopee và TikTok Shop. Cô gái trẻ Tú Anh, 25 tuổi, đến từ làng thêu tay Đồng Cứu (Thường Tín, Hà Nội), đã kết hợp kỹ thuật thêu truyền thống với thiết kế hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo. Cô sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và góp phần bảo tồn nghề thêu truyền thống trong thời đại số.

Thú vị hơn, đó là cả dân làng đã đồng lòng quảng bá làng nghề của mình trên môi trường số. Ngoài phục vụ khách hàng trực tiếp tham quan thì chính các hộ dân làng lụa Vạn Phúc đã đầu tư hệ thống livestream hiện đại thu hút người tiêu dùng. Làng gốm Bát Tràng ra mắt hệ thống AR/VR tại địa chỉ http://gombattrang.fairs.vn/, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại của làng nghề truyền thống gần 1.000 năm tuổi.

Theo thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội, nhiều làng nghề truyền thống đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 20 - 30% nhờ ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội. Đặc biệt, những hộ sản xuất biết cách tận dụng livestream, video hậu trường sản xuất, các câu chuyện văn hóa phía sau sản phẩm… thường đạt tương tác cao và tăng doanh số nhanh. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, thành phố Hà Nội đang tích cực tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; trong đó hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Làng nghề niên đại nghìn năm được định vị trên bản đồ số

Ngoài Hà Nội, các làng nghề tỉnh Nam Định cũng hăng hái trong ứng dụng thương mại điện tử. Tiên phong “số hóa” làng nghề phải kể đến làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Nam Điền (Nam Trực) với mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê”. Mô hình được xây dựng trên nền tảng Map 4D (bản đồ số) cùng với việc số hóa dữ liệu liên quan từ thông tin về nhà vườn, cây cảnh, giao thông, dữ liệu địa điểm 2D, 3D cho đến việc số hóa VR360, hình ảnh và video. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi bởi các sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê được định vị trên bản đồ số; mỗi nhà vườn sở hữu một địa chỉ số; mỗi sản phẩm hoa, cây cảnh được định danh, định giá và minh bạch về các thông số kỹ thuật, tạo ra một môi trường liên kết thuận lợi và dễ dàng giữa các nhà vườn và người mua hàng.

Một số địa phương đã mời Tiktoker về quảng bá sản vật của mình. Tỉnh Hưng Yên từng mời hơn 40 Tiktoker là các diễn viên, chuyên gia xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến sở hữu các tài khoản Tiktok có lượt người theo dõi cao. Họ đã livestream quảng bá, bán nhãn quả tươi và một số sản phẩm OCOP của tỉnh như: tương bần, tinh bột nghệ, mật ong, long nhãn... Chỉ trong khoảng thời gian từ 12h đến 16h, phiên livestream đã bán được hơn 2.000 đơn hàng nông sản với doanh thu hàng trăm triệu đồng. Sau phiên livestream, hàng nghìn đơn hàng đặt các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được “chốt”.

Livestream quảng bá, bán sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và các sản phẩm OCOP Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Đăng)

Livestream quảng bá, bán sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và các sản phẩm OCOP Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Đăng)

Còn tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Nhiều gương mặt nổi tiếng trên nền tảng TikTok như: Gia đình Mai Tú, Cô Ba Hồng Kong, Liên Tít, diễn viên Mạnh Hưng, diễn viên Trương Hoàng... đã đồng loạt lên sóng quảng bá các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.

Theo Tiktoker Quang Tuấn, một phiên livestream sẽ giúp các nghệ nhân thuận lợi tìm được những người cùng chung sở thích, quan điểm… ở mọi lứa tuổi. Một kênh bán hàng hoàn toàn có thể trở thành một diễn đàn để người bán và người mua chia sẻ nhu cầu, quan điểm, kinh nghiệm sử dụng, tác dụng sản phẩm... Từ đó, sức hút, sự lan tỏa của những sản phẩm truyền thống sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần.

Không nằm ngoài sự chuyển mình thời đại 4.0, các sản phẩm làng nghề của các địa phương trong cả nước đều đã được livestream tại các hội chợ sản phẩm OCOP. Điển hình như: Gạo sén cù Lào Cai, cà phê Đắk Lắk, chè Thái Nguyên, trà hoa vàng Quy Hoa, bánh đa nem làng Chều, mỳ chũ Bắc Giang, bánh phồng Cái Bè, bánh đa Lộ Cương, rượu Phú Lộc, nem chua Thanh Hóa, giò me Nghệ An, yến sào Khánh Hòa, thạch đen Cao Bằng, nước mắm, hải sản Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, mắm tôm, mắm tép Ba Làng, thanh long Bình Thuận, sầu riêng Đắk Nông, rau củ quả Mộc Châu…

Nhờ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã đưa hình ảnh sản phẩm cói Nga Sơn đến gần hơn với nhiều khách hàng quốc tế. (Ảnh: Quốc Huy)

Nhờ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã đưa hình ảnh sản phẩm cói Nga Sơn đến gần hơn với nhiều khách hàng quốc tế. (Ảnh: Quốc Huy)

Ngoài ra, các làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, chiếu cói Nga Sơn, Hương Quốc Tuấn, Gốm Chu Đậu, Gỗ Đông Giao, bạc Châu Khê, gốm Phù Lãng, giầy da Hoàng Diệu, tranh ghép gỗ, thổ cẩm Mai Châu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, gỗ lũa mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam, mỹ nghệ từ vỏ quế, mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa - Vũng Tàu, chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, dệt chiếu Long Định, sản phẩm làng nghề bàng buông Tân Hòa Thành... cũng đang được “số hóa” trên các không gian mạng và được đón nhận tích cực từ những người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, việc ứng dụng nền tảng số không chỉ giúp các làng nghề Việt Nam tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới, mà còn tạo điều kiện để văn hóa truyền thống được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi giá trị văn hóa đi cùng tư duy sáng tạo và công nghệ, làng nghề Việt hoàn toàn có thể bứt phá và vươn tầm quốc tế.

Đọc thêm