Việc thực hiện quyết định nói trên tạo hiệu ứng như thế nào trong đời sống xã hội, đặc biệt là những tiện ích đối với người dân ra sao. Báo PLVN đã phỏng vấn ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia về vấn đề này.
Thưa ông, để Quyết định 19 đi vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Tư pháp và các cấp, ngành đã có sự chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ được giao ra sao?
- Sau khi Đề án 19 được ban hành, Trung tâm LLTP Quốc gia đã tham mưu cho Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1051/QĐ-BTP ngày 04/6/2015 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, trong đó xác định 09 nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn các ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng và Sở Tư pháp nơi thực hiện thí điểm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm LLTP Quốc gia phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành tiến hành đồng bộ các công việc được giao trong Đề án 19. Quá trình thực hiện đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các phát sinh, vướng mắc từ thực tiễn.
Bộ Tư pháp đã chủ động chỉ đạo Trung tâm LLTP Quốc gia phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng và đưa vào vận hành Trang đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến theo Quy trình nghiệp vụ nêu tại Đề án 19 và triển khai thực hiện tại Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp.
Tại các địa phương, đã có 60/63 UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hoặc có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 19 (gồm 11 tỉnh, thành phố được giao thực hiện thí điểm và 49 tỉnh, thành phố chủ động thực hiện thí điểm).
Vấn đề kinh phí phục vụ thực hiện Đề án 19 cũng được Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh quan tâm, cấp phát, bảo đảm việc cấp Phiếu LLTP hiệu quả. Về nguồn nhân lực, Bộ Tư pháp cũng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức của Trung tâm LLTP Quốc gia và các Sở Tư pháp thực hiện thí điểm; Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ viên chức, người lao động tại các bưu cục, điểm phục vụ bưu chính tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu rõ về mô hình này.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sau 3 năm triển khai thí điểm? Đặc biệt là đối với đời sống người dân?
- Đối với phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện: Theo đánh giá của 46/63 tỉnh, thành phố, việc triển khai thực hiện phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính đã phần nào giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân, đặc biệt là đối với những người dân ở các địa phương ở cách xa trung tâm tỉnh hoặc đang ở nước ngoài, qua đó tạo ra sự thuận lợi cho người có yêu cầu cấp Phiếu khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), góp phần cắt giảm chi phí thực hiện TTHC. Đặc biệt là đối với người nước ngoài yêu cầu cấp Phiếu LLTP để xin cấp phép lao động hay đầu tư vốn vào Việt Nam mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhân viên tại các bưu cục, điểm phục vụ Bưu điện đều nhiệt tình, thân thiện, việc chuyển trả kết quả được thực hiện nhanh chóng, đúng người, đúng địa chỉ giao, từ đó tạo được niềm tin từ người yêu cầu cung cấp dịch vụ, tỷ lệ người có nhu cầu sử dụng dịch vụ cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh, thành phố ngày càng cao.
Thời gian chuyển phát bảo đảm, phí dịch vụ bưu chính công khai, minh bạch, qua đó góp phần nâng cao mức độ hài lòng và tín nhiệm của người dân khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước giảm áp lực tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, hướng tới sự phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Theo đánh giá của các địa phương, đa số người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát của Bưu điện. Bên cạnh đó, việc cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính được cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá cao, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, đối với phương thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến thì người dân và cơ quan, tổ chức rất ít sử dụng phương thức này. Số trường hợp đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến so với tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nhìn chung, phương thức này chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Cũng có ý kiến phản ánh trong nhiều trường hợp việc cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính chưa tạo thuận lợi cho người dân, bị chậm trễ hoặc có sai sót trong hồ sơ? Do đâu có tình trạng này thưa ông?
- Đúng là có tình trạng này, thứ nhất do quy định “Chỉ người yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 mới được nhận kết quả” tại Đề án 19 thực sự gây khó khăn cho bên cung ứng dịch vụ vì rất nhiều trường hợp khi nhân viên bưu điện giao đến đúng địa chỉ yêu cầu nhận nhưng người yêu cầu không có nhà, buộc phải đi lại nhiều lần, làm ảnh hưởng đến thời gian của nhân viên cũng như không đáp ứng được thời hạn giao kết quả.
Thêm nữa, trường hợp người dân gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính nhưng hồ sơ có sai sót, quá trình chuyển trả lại hồ sơ, bổ sung hồ sơ làm mất nhiều thời gian, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện TTHC cho người dân. Việc chuyển phát chưa đảm bảo thời gian, việc tiếp nhận, phản hồi các trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ tích hợp đăng ký trực tuyến và bưu chính (thông qua Trang đăng ký trực tuyến) chưa kịp thời,… tạo sự “không yên tâm” khi người dân lựa chọn thực hiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai Đề án.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Tư pháp có đề nghị gì?
- Để thực hiện thống nhất phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Đề án 19 và mở rộng phạm vi thực hiện thống nhất trên toàn quốc việc cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính; Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật LLTP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật theo hướng: Luật hóa phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến; luật hóa việc cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích; quy định về giá trị pháp lý của giao dịch điện tử trong lĩnh vực LLTP; ghi nhận giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, Phiếu LLTP được cấp dưới dạng văn bản điện tử; hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm việc chia sẻ, kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu LLTP với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Về tổ chức thực hiện cũng cần thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có các giải pháp kỹ thuật.
Xin cám ơn ông!