Hạ tầng giao thông- “Chìa khóa” phát triển kinh tế- xã hội
Trước thềm Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu năm 2016”, chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về tình hình phát triển KT-XH của địa phương.
Tại buổi làm việc, một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất là phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Là một tỉnh biên giới nghèo, giao thông đi lại khó khăn, địa phương đã xác định đầu tư cho hạ tầng giao thông là “chìa khóa” phát triển KT-XH.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, Lai Châu đã đề xuất một số dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn TPCP: Đường Liên huyện Sìn Hồ với huyện Tân Uyên kết nối với QL 32 (Séo Làng- Nậm Tăm- Nậm Sỏ- Tân Uyên); Đường nối QL 279 đến Trung tâm xã Tà Mít; 4 hồ chứa nước: Nậm Thi, Xà Dề Phìn, Giang Ma. Căn Co. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết, các dự án này nếu được đầu tư sẽ có tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh về đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành TW quan tâm bố trí vốn TPCP để các dự án trên được sớm triển khai thực hiện.
Liên quan đến dự án đường nối cao tốc Hà Nội- Lào Cai với TP Lai Châu, ý kiến các Bộ ngành tại buổi làm việc đều đồng tình đề nghị sớm nâng cấp đoạn nối Lào Cai với TP Lai Châu để rút ngắn thời gian di chuyển.
Đại diện Bộ GTVT, Thứ trường Nguyễn Hồng Trường đã đặt lên “bàn cân” 5 tuyến Quốc lộ của Lai Châu (QL 32, QL 279, QL 4D, QL 12 và QL 100 nối cửa khẩu Ma Lù Thàng), thực trạng và hướng đầu tư, trong đó lưu ý QL 279 gắn với cao tốc Hà Nội- Lào Cai- Lai Châu. Thứ trưởng cũng cho rằng, đối với một tỉnh khó khăn như Lai Châu, khó xã hội hóa được mà cần đầu tư của nhà nước.
Sân bay Lai Châu- “Trước sau cũng phải làm”
Trong kiến nghị của mình, tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Sân bay Lai Châu.
Được biết, tại buổi làm việc của nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với tỉnh Lai Châu hồi cuối tháng 12/2015, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự án sân bay Lai Châu đã được phê duyệt quy hoạch với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 từ 2016 – 2020 của dự án là 4.600 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, đây là sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng. Sân bay sẽ giúp phát triển ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra...
Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIDV) – ông Trần Bắc Hà cho rằng về lâu dài thì nên, nhưng trước mắt thì chưa. Ông Hà phân tích, từ Lai Châu đi Điện Biên khoảng 4 tiếng đồng hồ còn về Lào Cai chỉ khoảng 2 tiếng. trong khi Lào Cai đã có quy hoạch sân bay 4E. “Tất nhiên có sân bay là có khách, nhưng với các điểm du lịch ở Lai Châu, đầu tư 5000 tỷ đồng cho một sân bay cần phải cân nhắc”- Chủ tịch BIDV nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa quan điểm: dự án sân bay Lai Châu có khả năng đầu tư, nhưng cần sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT. Ông Trường cho rằng nếu phụ thuộc vào ngân sách thì khó, nhưng nếu xã hội hóa được dự án thì tốt. “Việc xây dựng sân bay cũng cần có lộ trình”- ông Trường lưu ý.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải hàng không trong đó có sân bay Lai Châu. “Đây được xác định là sân bay chuyên dụng phục vụ cho trực thăng và tàu bay diện nhỏ.
Theo quy định, việc này Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý, sử dụng và khai thác nên đề nghị Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật…”- ông Dũng đề xuất. Ông cũng đề nghị Bộ Quốc phòng sớm xem xét, kết luận về nội dung này..
Trong phần kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay Lai Châu. Ông nói: “Trước sau cũng phải làm, nhưng lộ trình như thế nào Bộ Quốc phòng cân nhắc”.
Dẫn lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích, với sân bay Lai Châu, chủ yếu sử dụng máy bay loại nhỏ, sân bay cũng chỉ tầm như sân vận động..
Thủ tướng cũng lưu ý Lai Châu cần phải tiết kiệm trong tất cả các lĩnh vực, kể cả đầu tư và chi tiêu để dành tiền cho đầu tư phát triển…