2 phương án luật hóa nội dung đấu giá biển số xe
Theo báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, việc luật hoá quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 của QH về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là rất cần thiết”.
“Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo QH thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được QH sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách”, Báo cáo cho hay.
Vẫn theo Báo cáo, việc mở rộng đấu giá biển số xe đối với xe mô tô, xe gắn máy là rất cần thiết, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân có biển số mua xe mô tô, xe gắn máy theo ý thích. Hơn nữa, số lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký hàng tháng rất lớn, nếu mở rộng đấu giá biển số đối với các loại xe này sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe theo ý kiến của đa số đại biểu QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh thiết kế 2 phương án.
Phương án 1 bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 37 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý), trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên.
Phương án 2 bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với Phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với đa số ý kiến đại biểu QH đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về biển số xe như quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng khi mở rộng phạm vi đấu giá
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đồng tình với phương án 1, theo đó đưa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đại biểu, việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe trong Luật này là cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng biển số xe là một loại tài sản công, giống như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản… nên việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác.
Vì vậy, luật này chỉ quy định về nội dung như loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá…, còn về hình thức như trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản; không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 11. Điều 37 dự thảo Luật.
Đại biểu cũng đề nghị mở rộng việc đấu giá biển số đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) đề nghị cân nhắc việc mở rộng đấu giá biển số xe, trước mắt, nếu luật hóa thì chỉ luật hóa trong phạm vi đang thực hiện thí điểm, tức là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa mở rộng đối với các biển số xe khác.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba phát biểu tại hội nghị. |
“Khi luật hóa như vậy, cần có đánh giá bổ sung về tác động xã hội, đặc biệt là khía cạnh văn hóa”, đại biểu đề nghị.
Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề nghị nếu trong luật này quy định về việc đấu giá thì phải sửa quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản một số nội dung như tiền đặt trước…
Có cùng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào dự thảo Luật quy định mở rộng đấu giá biển số xe đối với xe mô tô, xe gắn máy, cần có sự đánh giá tác động đầy đủ.
“Thực tiễn cho thấy quá trình thực hiện đấu giá biển số xe theo Nghị quyết của QH được dư luận quan tâm, đáp ứng được nhu cầu của người dân, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, đấu giá biển số xe là thủ tục mới, quy định mới, đang trong quá trình thí điểm nên việc đưa vào áp dụng sẽ gặp những khó khăn, bất cập”, đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc, có tổng kết đánh giá đầy đủ, cụ thể, toàn diện kết quả thực hiện Nghi quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô để bổ sung vào dự thảo Luật cho phù hợp. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ sở, căn cứ để quy định mức giá khởi điểm của các loại biển số xe đưa ra đấu giá như dự thảo Luật đưa ra.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (tính đến hết tháng 2/2024), đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành là 2.052.740.000.000 đồng và đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá được khách hàng nộp với số tiền 1.395.960.000.000 đồng.