Cần nhận diện đầy đủ về 'bức tranh' tham nhũng

(PLO) - Hôm qua (20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự án Luật PCTN (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự án Luật PCTN (sửa đổi).

Theo Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, Luật Phòng chống tham những (PCTN) hiện hành còn 8 điểm bất cập và “tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta”.  

Vì vậy, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) này được bố cục gồm 11 chương với 131 điều sẽ tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của Luật PCTN hiện hành tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Cho ý kiến về dự thảo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, báo cáo đánh giá tổng kết 10 năm về PCTN cần nhận diện đầy đủ bức tranh về vấn đề tham nhũng thì mới đưa ra giải pháp hợp lý vì “trong kiến nghị cử tri thì ngoài những kiến nghị bức xúc ở khu vực công, dự án lớn, hay vấn đề báo chí nêu với 12 dự án đầu tư không hiệu quả thì cử tri rất bức xúc với vấn đề tham nhũng vặt ở khối hành chính, cán bộ thực hiện ở cấp cơ sở.

Tôi đọc trong báo cáo tổng kết 10 năm về PCTN thì thấy nêu vấn đề này rất mờ nhạt. Có một thực tiễn cử tri nêu khối công thì xuất hiện hành vi tham nhũng vặt này, còn khối tư thì không thấy tham nhũng vặt. Đây là hiện tượng cần đánh giá một cách cụ thể trong báo cáo tổng kết 10 năm, từ đó mới đưa ra biện pháp để phòng chống”.

“Tôi rất trăn trở tham nhũng vặt vì nó ảnh hưởng đến đông người dân, nó có ảnh hưởng xã hội học rất là xấu, rất lớn đến đời sống tâm lý và đặc biệt làm xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp, tương thân tương ái của người dân”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, đây là việc khó, không phải dễ dàng gì nhìn rõ được các hành vi tham nhũng để xử lý được rõ ràng, nên luật này cần nhìn tổng thể, có sự phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan từ cơ quan giáo dục, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Theo ông Bình, trước hết, nên tập trung vào khu vực công lập, Nhà nước, vì tham nhũng thường gắn với quyền lực, còn nếu mở ra thì có đủ lực chưa và nhìn nhận như thế nào. “Về Nhà nước, tôi nghiêng về tội hối lộ điều chỉnh bằng luật hình sự”, ông Bình đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Thống nhất cần thiết phải sửa đổi luật này và cần sửa đổi rất toàn diện”. Phân tích cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã mở rộng so hơn với luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước thì cần đánh giá tác động, tính khả thi để vừa phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung của luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp. Nhưng do luật này có nhiều quy định liên quan đến các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí… nên các quy định có chồng chéo, trùng lặp, do đó cần thiết phải rà soát để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. 

Đọc thêm