Có dấu hiệu làm ngơ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ VHTT&DL đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao năm 2017, đạt nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng cũng gợi ý 5 nội dung mà Bộ VHTT&DL cần tiếp tục tập trung làm tốt hơn, trong đó có lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, du lịch, thể thao. Với tình trạng “Tour du lịch 0 đồng” đã quay trở lại, Thủ tướng lưu ý quản lý hướng dẫn viên thế nào để tránh tình trạng cung cấp thông tin làm méo mó lịch sử…
Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/42018, Bộ VHTT&DL được giao 684 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 590 nhiệm vụ, còn 94 nhiệm vụ chưa hoàn thành đang trong thời hạn thực hiện.
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, bản chất của vụ việc nằm ở các cửa hàng có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc quyết liệt. Hiện nay có dấu hiệu làm ngơ. “Còn tại sao làm ngơ đi thì chúng tôi cho rằng có thể cũng có động cơ phía sau” - ông Tuấn nói.
Về việc hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc, ông Tuấn cho biết, đây là 2 thị trường bùng nổ nhất nhưng chúng ta không đáp ứng được yêu cầu. Về lâu dài, Việt Nam phải tăng số lượng và chất lượng của hướng dẫn viên trong nước. “Chúng tôi cũng có định hướng cho các địa phương phải linh hoạt, tuy nhiên khi có những hướng dẫn viên hành nghề trái phép và giới thiệu xuyên tạc lịch sử, chúng tôi đã có ý kiến và làm việc trực tiếp với địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Giải thích thêm về “Tour 0 đồng”, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nhiệm vụ của ngành Du lịch là đưa khách vào nước và quản lý họ, còn khách mua hàng thế nào, mua ở đâu, giá cả thế nào, có trốn thuế không là trách nhiệm quản lý của các cơ quan thị trường, thuế; họ mua bán ngoại tệ thì do ngân hàng quản lý.
“Nếu không giải quyết chỗ này thì chúng ta chỉ nói mãi mà không giải quyết được gì. Chúng tôi đề nghị Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo lên Thủ tướng là muốn giải quyết việc này thì phải là ngành Thuế, Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương xử lý, còn ngành Du lịch không xử lý được”, người đứng đầu ngành VHTT&DL nhấn mạnh.
Tránh “bóp méo” thủ tục hành chính
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề cập đến tình hình rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTT&DL.
Hiện theo thống kê, Bộ VHTT&DL có 118 điều kiện, Bộ đã rà soát và báo cáo dự kiến cắt giảm 62 điều kiện, chiếm hơn 50%. Trong năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính. Bộ cần sớm xây dựng các văn bản để cắt giảm trên thực tế. Đặc biệt, về các điều kiện kinh doanh, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ tiếp tục rà soát kỹ hơn, những gì không lượng hóa được, còn chung chung, không rõ ràng thì dứt khoát cắt giảm, bãi bỏ. Cùng với đó, phải tránh để điều kiện kinh doanh trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thông tư; dứt khoát các điều kiện kinh doanh phải nằm trong nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Phát biểu cuối buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thủ tướng và kết luận của Tổ trưởng Tổ Công tác, tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế...