Khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, các “tú bà” khai, thông qua việc môi giới hay trực tiếp bán dâm có thể kiếm mỗi ngày 1.000 - 2.000 USD (một lần đi đêm có thể thu 2.500 USD). Theo cơ quan điều tra, 2 nhánh trong đường dây mại dâm cao cấp trên thường trực có trên 30 chân dài, từ 20 - 28 tuổi, đều hoạt động trong giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ, vũ công… sẵn sàng “đi khách”. Ngoài ra, các “tú bà” còn sắp xếp các sex tour trong và ngoài nước với giá 3.000 - 4.000 USD/người/chuyến, tùy theo nhan sắc, danh hiệu của các người đẹp và trích lại chi phí 20%...
Điều đáng nói, khi phiên tòa vụ này đang lên lịch xử, hàng đêm nhiều “đường dây” khác ở các đô thị lớn của Việt Nam, kể cả sex tour ở nước ngoài vẫn đang hoạt động. Nói thế để thấy, “nhu cầu chân dài” là “tất yếu”, nhất là với một số người không được tiêu tiền vào “chân dài”, với họ là một bi kịch (!).
Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm có từ năm 2003 đến nay, liên quan rất nhiều đến vấn đề quyền con người, quyền công dân - theo cách nhìn của chúng ta. Và, phải thừa nhận chúng ta bước vào cuộc chiến chống “cối xay gió” này còn lâu dài, nếu không muốn nói “muôn đời”, bởi phải chống lại một phần “tất yếu” của cuộc sống.
Chúng ta đã tốn rất nhiều tiền ngân sách để chống phần “tất yếu”, đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài chán chê. Hãy xem Thái Lan, luật pháp người ta vẫn cấm đấy chứ? Đừng nói Thái Lan - đất nước Phật giáo là quốc đạo thả lỏng mại dâm nhé? Điểm khác biệt với chúng ta là cách họ kiểm soát hợp lý. Ngành Y tế hàng tháng khám bệnh định kỳ cho những người làm việc trong các cơ sở “nhạy cảm” và phải có hợp đồng. Trong đó, làm gì thì làm nhưng ra ngoài đường “hành nghề” là bị bắt.
Còn chúng ta giờ cứ “loanh quanh” và đổ thừa do văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, nhưng lại không chịu làm cho hoàn chỉnh. “Các nước như Thái Lan vẫn cho hành nghề mại dâm, còn chúng ta chưa quy định và phải phòng chống. Thế nhưng nhu cầu lại vẫn có. Vẫn có cung và vẫn có cầu. Các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng cũng rất khó khăn khi thực hiện pháp luật về quản lý một cách có hiệu quả”, một nữ đại biểu Quốc hội có lần chia sẻ.
Tóm lại, cuộc chiến này còn nhiều chông gai nếu không tìm được một giải pháp “hợp tình, hợp lý” để cân bằng giữa “nhu cầu tất yếu” và “thuần phong mỹ tục”.