Cần nhiều thay đổi để hút khách du lịch quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đã chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022 nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 chưa bằng 10% so với năm 2019. Do đó, để đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, cần phải mạnh mẽ thay đổi nhiều quy định.
Cần thay đổi nhiều hơn để hút khách quốc tế trở lại.
Cần thay đổi nhiều hơn để hút khách quốc tế trở lại.

Vì sao khách quốc tế chưa đến?

Dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, có khoảng 5 triệu khách Việt Nam du lịch nội địa nhưng chỉ có khoảng vài chục nghìn khách quốc tế du lịch Việt Nam, đưa tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 100.000 người. Con số này đã tăng 15-16 lần so với năm 2021 nhưng lại chưa bằng 10% so với năm 2019. Dù Việt Nam đã tuyên bố chính thức mở cửa đón khách du lịch từ ngày 15/3/2022 nhưng có nhiều lý do để lý giải cho việc số lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp trong dịp nghỉ lễ vừa qua.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc VietFoot Travel cho biết, ngoài lý do khách quan là mùa du lịch inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) thường rơi vào từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau thì còn có một số lý do chủ quan, cần phải khắc phục. Trước hết, để có thể đón được khách quốc tế trở lại, trước mắt, Việt Nam phải truyền đi thông điệp sẵn sàng đón khách quốc tế mà không vướng bất cứ rào cản gì liên quan đến COVID-19. Tiếp đến cần phải truyền thông mạnh mẽ các hình ảnh Việt Nam bình thường mới. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các đối tác du lịch nước ngoài để xây dựng các tour du lịch mới, đảm bảo thu hút khách hơn các quốc gia trong cùng khu vực.

Một số đánh giá mới đây của các chuyên gia du lịch cũng cho thấy, sau gần 2 tháng thực thi chủ trương mở cửa lại du lịch quốc tế, các DN gặp không ít khó khăn. Trong đó có việc thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó (cần vài tháng) để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường khách mục tiêu nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế chưa thể bộc lộ rõ ngay sau khi công bố quyết định mở cửa; Khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu cũng còn hạn chế

Cụ thể, các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế đang chủ yếu do các DN tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng DN. Các trang web và các trang mạng xã hội được du khách và các đối tác quốc tế theo dõi, tương tác nhiều, như vietnam.travel hay trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới thiếu cập nhật thường xuyên, trình bày khó hiểu.

Đáng chú ý, mặc dù các quy định về y tế của Việt Nam đã có những thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhưng chưa thật sự theo kịp tình hình, chưa thuận lợi cho du khách nên một số khách quốc tế ưu tiên lựa chọn điểm đến là các nước khác trong khu vực có quy định thuận lợi hơn. Cùng với đó, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch.

Tận dụng giai đoạn trước mùa cao điểm

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn và Cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã có văn bản đề xuất các giải pháp để có thể đạt được mục tiêu đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam năm 2022. Theo đó, Ban IV và TAB mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài… phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế.

Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; Chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế, đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước. Trước mắt cần tăng cường hoạt động marketing trực tuyến và gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEA Games 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.

Ngoài ra, cần sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, như bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị COVID-19”.

Đáng chú ý, Ban IV, TAB cùng cộng đồng DN du lịch đề xuất, trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch inbound 2022, Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần (bao gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân và một Ban Thư ký hỗ trợ tích cực). Tổ này sẽ điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.