Cần những người dũng cảm để giám sát chất lượng công trình

(PLO) - Chất lượng công trình đảm bảo hay không phụ thuộc vào thái độ của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, của chủ đầu tư, nhà thiết kế đến người nghiệm thu công trình. Một khi các bên còn coi nhau là “chùm khế ngọt”, không làm hết trách nhiệm thì sẽ còn những công trình có vấn đề.
Cầu Chu Va 6 bị lật do chất lượng có vấn đề.
Cầu Chu Va 6 bị lật do chất lượng có vấn đề.
Sự cố lật cầu treo Chu Va 6 thực sự là “giọt nước làm tràn ly” những lo lắng, hồ nghi và giận giữ của dư luận về chất lượng các công trình xây dựng nói chung, công trình cầu đường nói riêng. Những sự cố này cho thấy có một “lỗ hổng” trong thực thi các quy định pháp luật của những tập thể, cá nhân hữu trách  đối với các công trình liên quan đến tính mạng người dân…
Số phận hàng trăm cây cầu đang bị “treo”
Dù cấp độ các công trình bị sự cố khác nhau nhưng cũng cho thấy công tác quản lý xây dựng công trình, nhất là các khâu thiết kế, thi công, giám sát, khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình thực sự còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng công trình và an toàn giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều chương trình liên quan tới cầu yếu đang được Bộ GTVT và các đơn vị liên quan triển khai, nhưng trong điều kiện vốn đầu tư còn hạn chế, hướng của Bộ này là rà soát cái nào yếu nhất thì thay, cái nào còn khai thác được thì cố gắng tận dụng, trước mắt là kiểm tra và triển khai tại hai tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 14. 
Chỉ tính riêng trên hệ thống quốc lộ, cả nước hiện có hơn 100 cầu thuộc diện rất yếu, cần đầu tư thay thế ngay của các dự án đã có quyết định đầu tư trên hệ thống quốc lộ, ngoài ra còn gần 300 cầu yếu chưa được lập dự án đầu tư. Dự kiến kinh phí chỉ riêng cho công tác khắc phục cầu yếu cũng cần ít nhất 5.000 tỷ đồng, chưa kể hàng ngàn cây cầu trên hệ thống giao thông nông thôn cũng đang đối mặt với bất cập chất lượng.
Còn nhớ, trước thực trạng tại một số công trình, dự án khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện khiếm khuyết về chất lượng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phải ký ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông. Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT tập trung chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu tất cả các công trình của ngành thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng công trình có vi phạm về chất lượng. Các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cần thực hiện tốt nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm của mình trong các khâu từ lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp, giám sát, nghiệm thu và bảo hành công trình…
Với trường hợp sự cố cầu treo Chu Va 6, giả sử công trình đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khâu quy định như kiểm định, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình… thì sự cố vẫn xảy ra lại cho thấy “lỗ hổng” nằm ngay ở những người thực thi quy định pháp luật. 
Cần những người giám sát dũng cảm
Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ngoài những nguyên nhân khách quan thì cũng có những sai sót, như khâu giám sát chưa phát hiện kịp thời các sự cố để đề xuất, xử lý; hoặc một dự án nhưng lại có nhiều nhà thầu phụ tham gia nên rất khó kiểm soát. 
Ngoài ra, việc bảo trì, bảo dưỡng đối với các công trình giao thông cũng chưa được thực hiện tốt, khi mà vẫn còn có sự chồng chéo trong phân cấp quản lý các công trình, giữa các Bộ, ngành và địa phương dẫn đến việc còn buông lỏng quản lý đối với các công trình giao thông.
Chia sẻ với báo chí, TS. Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) – kể lại: Trước đây, ông cùng các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã từ chối nghiệm thu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài gần 30km. 
Lý do là sau khi trưng cầu giám định thông qua các cơ quan có đủ năng lực và pháp nhân đã cho thấy, không thể chạy xe tốc độ 100km/h như thiết kế, mà phải chạy ở tốc độ thấp hơn nhiều mới an toàn. Ông nói, từ chối nghiệm thu phải có những số liệu khoa học, thuyết phục, không phải lấy quyền quản lý mà áp đặt. 
Một ví dụ nữa, bên thi công cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng sau khi sự cố mặt cầu hư hỏng đã tự nguyện làm lại, chịu mọi chi phí đến gần chục tỷ đồng, và nhà thầu khẳng định chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm do họ làm ra….
“Công trình xây dựng nói chung là sự hợp thành của nhiều yếu tố, có thể xây dựng trong nhiều năm, do nhiều khâu, nhiều người làm, nhiều loại vật liệu, chịu tác động của nhiều yếu tố kể cả môi trường. Nhưng, chất lượng đạt đến đâu là do con người kiểm soát, quyết định. 
Hành lang pháp lý để quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đến nay chưa thực sự hoàn thiện, nhưng vẫn đủ để chúng ta xây dựng các công trình bền vững đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Vấn đề nằm ở chỗ, những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm đã tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật khi khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu... các công trình đó hay không” – ông Lê Hồng, cán bộ một ban quản lý dự án nhận định.
Chất lượng công trình đảm bảo hay không phụ thuộc vào thái độ của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, của chủ đầu tư, nhà thiết kế đến người nghiệm thu công trình. Một khi các bên còn coi nhau là “chùm khế ngọt”, không làm hết trách nhiệm thì sẽ còn những công trình có vấn đề.

Đọc thêm