Sẽ có người bị xử lý hình sự về vụ sập cầu Chu Va 6?

(PLO) - Những dấu hiệu sai phạm được hé lộ mà nếu xoáy sâu vào đó, rất có thể sẽ có những người phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự trước cái chết những người dân vô tội.
Sẽ có người bị xử lý hình sự về vụ sập cầu Chu Va 6?
Vụ sập cầu ở Lai Châu đã gây nên những hậu quả thật tang thương cho người dân. Cho đến nay, nguyên nhân, trách nhiệm chính xảy ra vụ sập cầu vẫn đang được điều tra làm rõ.
Tìm nguyên nhân gây sập cầu 
Sáng 24/2, hàng chục người dân ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu đi bộ đưa tang vượt qua cây cầu treo thì dây cáp đứt. Nhiều người rơi xuống suối từ độ cao 9m. Vụ sập cầu khiến kết quả cuối cùng là 9 người thiệt mạng (7 người chết tại hiện trường và trên đường cấp cứu, 2 người đưa đến bệnh viện thì tử vong). 36 người bị thương nặng, nguy kịch vì đa chấn thương. 
Thông tin từ báo chí cho biết, cầu treo dân sinh Chu Va 6 được khởi công xây dựng tháng 8/2012 và được hoàn thành đưa vào khai thác tháng 12/2012. Chủ đầu tư là UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn công nghiệp Lào Cai. Nhà thầu thi công là doanh nghiệp tư nhân xây dựng Ký Hoa. Khi nói về nguyên nhân ban đầu, lãnh đạo địa phương đã cho rằng cầu sập do người dân đi qua làm quá tải. Ý kiến này sau đó đã bị một loạt các chuyên gia lên tiếng phản bác. 
GS.TS Nguyễn Đình Cống (nguyên giảng viên khoa Xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội) khẳng định với báo chí: "Một quan chức nói do có quá nhiều người đi qua cùng một lúc nên cầu bị đứt cáp là quá vô lý. Cây cầu có trọng tải 1,5 tấn, dài 54m thì phải chịu lực được 81 tấn mới đúng. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho người dân".
Còn PGS. TS Nguyễn Quang Toản (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nêu quan điểm: "Để xảy ra các vụ sập cầu như thế, ở các nước người ta sẽ phải đền. Ở nước ta chắc không có chuyện đó, nhưng phải tiến hành kiểm điểm chính quyền địa phương, và anh phụ trách giao thông sẽ phải từ chức”. 
Thông báo sơ bộ về nguyên nhân sự cố sập cầu, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo ban đầu của tổ công tác kỹ thuật, nguyên nhân trực tiếp gây sự cố là do đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp ở đầu cầu hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu gây lật mặt cầu, hất người đi trên cầu xuống sông. 
Đã có chế tài xử phạt cho hành vi vi phạm
Cho đến nay, nguyên nhân chỉ mới hé mở bước đầu, nhưng đã thấy khá nhiều “vấn đề” tồn tại bên trong một vụ sập cầu.
Đó là việc thi công ẩu nhằm mục đích giảm thời gian thi công, giảm vật liệu xây dựng, lợi về chi phí dẫn đến tăng lợi nhuận. Người thi công ẩu không cố ý gây nên cái chết cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, chính việc thi công ẩu đã dẫn đến cái chết của nhiều người.
Cầu được hoàn thành từ 8/2012 đến nay, mới hơn một năm thì yếu tố thời gian không tác động lớn. Nếu tải trọng trên cầu tại thời điểm sập cầu là trong giới hạn cho phép mà cầu sập thì trách nhiệm thuộc về việc xây cầu. Đầu tiên phải tính đến thiết kế, rồi đến kết cấu và cuối cùng là thi công. 
Trách nhiệm của những người thiết kế, tính kết cấu, xây dựng phải đúng với quy định của pháp luật và đúng với kỹ thuật. Nếu không thực hiện đúng những quy định này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi tắc trách của mình. 
Hành vi này có thể cấu thành tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 99 BLHS. Làm chết một người thì có thể bị phạt tù từ 1 - 6 năm nhưng nếu làm chết nhiều người thì có thể bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Ngoài ra, họ còn phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân.
Theo Điều 627 BLDS thì: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. 
Tuy nhiên, trường hợp chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý biết là có sự cố nhưng không có biện pháp ngăn chặn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới chịu trách nhiệm. Trường hợp không thể biết hoặc không thể dự đoán được hậu quả có thể xảy ra thì khó để quy trách nhiệm cho chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý công trình.
Luật đã có sẵn, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý sai phạm, điều quan trọng giờ đây là cơ quan chức năng và các nhà quản lý vào cuộc quyết liệt như thế nào để phân định rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhằm đem lại niềm tin cho người dân cũng như răn đe những người làm sai, hạn chế những tai nạn như vụ sập cầu đã xảy ra.

Đọc thêm