Chiều 26/9, bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu tại cộng đồng. Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp hướng dẫn trên người thật.
Theo TS. Hùng, chỉ bằng những dụng cụ, vật liệu có thể gặp trên đường như cành cây, que tre, bút bi... khi không có dụng cụ y tế chuyên dụng cũng có thể tiến hành sơ cứu được người bị chảy máu. Việc sơ cứu ban đầu tại hiện trường giúp cầm máu cho nạn nhân trước khi chuyển đến bệnh viện được coi là một trong những kỹ năng sinh tồn cần phải có.
Quan trọng nhất là kỹ năng băng ép phía trên vết thương, mục đích cầm máu cho nạn nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều trường hợp nếu biết cách sơ cứu có thể cứu được bệnh nhân, ngược lại sơ cứu không tốt để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng hướng dẫn sơ cứu chảy máu vùng cánh tay. |
Ở vùng cổ có một động mạch khá lớn là động mạch cảnh, nằm ngay dưới da cho nên chỉ một vết cắt qua da đã có thể gây tổn thương mạch cảnh thì máu sẽ phun ra. Với vết thương mạch máu như trường hợp này, người thực hiện sơ cứu chỉ cần bình tĩnh lấy tay bịt vết thương bằng vải, quần áo, khăn hoặc bất cứ vật liệu nào có thể bịt, cầm máu, sau đó đưa người bị nạn đi cấp cứu.. Những vết thương dạng này cũng không phải phẫu thuật phức tạp, chỉ cần mổ cấp cứu 10 phút là bác sĩ đã có thể nối được mạch máu cứu sống nạn nhân.
Điều đầu tiên là phải bịt cầm máu ở vùng chảy máu. |
Cũng theo TS. Hùng, lượng máu trong cơ thể người trưởng thành khoảng 4-5 lít, mỗi nhát bóp của tim là 60ml. Khi vết thương vào mạch máu lớn, như vùng cổ, ngay lập tức máu sẽ xối xả và rơi ngay vào tình trạng sốc mất máu. Nếu như lượng máu bị mất ngay trên 50% thể tích máu thì nạn nhân sẽ rơi vào sốc mất máu không hồi phục.
Sau đó dùng nẹp cố định tránh tình trạng nạn nhân bị nghẹt thở. |
Như vậy, kể cả trong trường hợp tai nạn xảy ra gần bệnh viện thì cũng rất khó để đến bệnh viện mà bác sĩ có thể cứu chữa được nếu như sự sơ cứu ban đầu không làm tốt.
Trong trường hợp không có nẹp, chúng ta lấy luôn cánh tay để làm nẹp. |
"Việc phổ biến kiến thức sơ cứu thực sự rất cần thiết trong cộng đồng. Với ngành y tế, cấp cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện là khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất." TS. Hùng nhấn mạnh.