Cần phân cấp quản lý luật sư

(PLO) - Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo “Triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (LS) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật” tại TP.HCM. Hội thảo thu hút đông đảo đại diện các Đoàn LS và các cơ quan tư pháp địa phương thuộc khu vực phía Nam. 
Phân cấp quản lý chưa triệt để?
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, TP.HCM là địa phương có số lượng LS, tổ chức hành nghề LS nhiều nhất cả nước với 3.473 LS (LS cả nước khoảng hơn 8.000), 1.395 tổ chức hành nghề LS (cả nước khoảng 3.200 tổ chức hành nghề LS). Do đó, trước đây việc phối hợp giữa Đoàn LS với các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời và hiệu quả. 
Điều này dẫn đến chưa thực hiện tốt nguyên tắc quản lý hành nghề LS cũng như vai trò tự quản của Đoàn LS. Để khắc phục tình trạng này, Sở đã chủ động phối hợp với Đoàn LS, Hội Luật gia xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động hành nghề LS trên địa bàn TP. 
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, quy định về phân cấp quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS chưa thật sự mang tính triệt để; chưa xác định đầy đủ, cụ thể về nhu cầu quản lý về LS và hành nghề LS của chính quyền địa phương. Từ đó, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị phân cấp quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS giữa Trung ương và cấp tỉnh; giữa cấp tỉnh và cấp huyện để phát huy quyền tự chủ; tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS tại địa phương. 
Về vấn đề này, bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp - thừa nhận vấn đề Sở Tư pháp nêu ra là có cơ sở. Tuy nhiên, bà Yến cho rằng vấn đề này cần thảo luận, bởi ở một số địa phương khác thì không thể phân cấp do Đoàn LS chỉ vỏn vẹn vài chục người, trong khi ở TP.HCM lại có số lượng LS và tổ chức hành nghề quá lớn. 
Đã là luật thì phải thi hành
LS Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM -  cho rằng, khi đã trở thành LS rồi thì không cần thiết bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nữa. Thông lệ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp là đã đào tạo xong thì người trong nghề tự trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật LS sửa đổi thì LS bắt buộc phải tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. LS Trần Công Ly Tao khẳng định, vấn đề này đã được luật quy định, mà đã là luật thì phải thi hành. 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Hoàng Yến khẳng định Luật LS đã có rất nhiều tiến bộ, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hành nghề của giới LS cũng như góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ LS. Bà Yến cũng giải thích, làm rõ những ý kiến của các đại biểu về vấn đề tập sự: Theo Luật LS năm 2012, thời gian tập sự hành nghề LS còn 12 tháng là nhằm nâng cao chất lượng LS, từng bước đảm bảo mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp khác. 
Ngoài những qui định về thời gian tập sự, gia hạn thời gian tập sự, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS, tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS…, Dự thảo Thông tư bổ sung quyền của người tập sự hành nghề LS đi cùng LS hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn dân sự và các đương sự khác trong vụ việc dân sự; tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khi được khách hàng đồng ý. “Những qui định này sẽ tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề LS được tiếp cận với nghề nghiệp thật sự”- Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến nhấn mạnh.

Đọc thêm