Thiếu minh bạch trong ban hành QĐHC
Ngày 30/11/2007, UBND huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật về việc thu hồi 1.730m2 đất tại khu Trung, Xuân Đỉnh, Từ Liêm để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó đem bán đấu giá quyền sử dụng đất. Dựa trên dự án của UBND huyện Từ Liêm lập, ngày 23/9/2008 UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-UBND về việc "thu hồi 2.936m2 đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm; giao cho UBND xã Xuân Đỉnh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các thửa đất đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở".
UBND TP.Hà Nội ra Quyết định số 874 nhưng không thông báo cho những hộ dân có đất bị thu hồi biết. Do vậy, người dân - chủ sở hữu tài sản hợp pháp của những mảnh đất này, cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Quyết định số 874 - lại không được biết, không được hỏi ý kiến về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị tại những diện tích đất thu hồi.
Không những thế, kể từ khi TP.Hà Nội ra quyết định thu hồi (ngày 23/9/2008) cho đến khi xã Xuân Đỉnh ra thông báo cưỡng chế thu hồi quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất (ngày 30/10/2012), các hộ dân vẫn không được biết rõ về lý do thu hồi đất cũng như quy hoạch xây dựng khu đô thị tại diện tích đất của mình bị thu hồi.
Vấn đề đặt ra ở đây là Luật Quy hoạch đô thị quy định trước khi lập quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nhưng lại không quy định rõ là phải lấy ý kiến của những đối tượng trực tiếp có liên quan; phải công bố quy hoạch như trưng bày bản vẽ, mô hình, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm song lại không có quy định về việc phải thông báo QĐHC đến tay người thực hiện.
Như vậy có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa đưa ra các nguyên tắc chung thống nhất về việc phải lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan, đối tượng chịu tác động trực tiếp của QĐHC trong trình tự, thủ tục ban hành QĐHC.
Quan tâm hơn nữa đến sự tham gia của người dân
Cũng liên quan đến trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, trong hệ thống pháp luật hiện hành có lĩnh vực có văn bản luật quy định, có lĩnh vực không có luật hay văn bản dưới luật điều chỉnh. Chẳng hạn, cùng để đảm bảo lợi ích của người khác trong quá trình cấp phép, có lĩnh vực được điều chỉnh chặt chẽ như quy định cấp giấy phép xây dựng, cải tạo nhà cho một người phải có văn bản đồng ý của các hộ liền kề; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một người phải hỏi ý kiến của những người có thể chịu ảnh hưởng của việc cấp giấy đó... Tuy nhiên, có lĩnh vực lại điều chỉnh quá lỏng lẻo hoặc không được điều chỉnh.
Từng tham gia đoàn khảo sát thực tế để xây dựng Luật Ban hành QĐHC do Bộ Tư pháp tổ chức, GS Nguyễn Đăng Dung hôm qua (15/11) cho biết, ông nhận thấy sự quan tâm của nhiều người dân đối với Dự án Luật này. Từ đó, ông đã đặt ra một số vấn đề cần lưu ý như trong quá trình ban hành QĐHC thì mức độ tham gia của người có liên quan như thế nào; trình tự, thủ tục ban hành QĐHC được quy định ra sao để nếu cơ quan hành chính nhà nước không thực hiện thì người dân biết được quyền lợi của họ bị ảnh hưởng đến đâu...