Cần phát triển rộng hơn đối tượng tham gia BHXH

(PLO) - Đó là một trong 5 yêu cầu của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khi kiểm tra Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, sáng nay (18/10).
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng

BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, mạnh nhất

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 5 vấn đề tới BHXH Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh.

Theo đó, Thủ tướng ghi nhận, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm. Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ.

Song song, BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. “Thủ tướng đánh giá cao và cũng đề nghị báo chí khích lệ kết quả này của BHXH Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Thứ hai, BHXH đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, việc này rất quan trọng. Năm 2017, có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 79,9 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiêp. Hết 9 tháng đầu năm 2018, con số tương ứng đã tăng lên 14,34 triệu người, 82 triệu người và 12 triệu người.

Thứ ba, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm.

Thứ tư, công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán. Hiện hệ thống thông tin giám định BHYT đã được kết nối tới 12.000 cơ sở y tế.

Thứ năm, hệ thống đại lý bảo hiểm được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu 5 vấn đề để BHXH trong thời gian tới cần làm tốt hơn. Thứ nhất, cần làm tốt hơn Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng Công nghệ thông tin, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn. “Không đơn giản mà BHXH làm được mã số định danh cho 82 triệu công dân, trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư chưa có. Nhưng làm sao chuyển sang thẻ điện tử hết, số hóa hết, chia sẻ được các dữ liệu”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, phải phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH, đây là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Hiện mới có 14,34 triệu người tham gia BHXH, mới chiếm 27% số người trong độ tuổi lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích BHXH tự nguyện là nhiệm vụ rất lớn.

Thứ ba, dư luận, báo chí vẫn thường đề cập tới khả năng mất cân đối trong thu chi bảo hiểm y tế. BHXH đã có nhiều giải pháp nhưng cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối.

Thứ tư, BHXH đã có nhiều giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi bảo hiểm, cần làm tốt hơn nữa.

BHXH xác định “không cải cách là chết”

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Tiến Dũng, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng bày tỏ lo lắng với 26 nhiệm vụ chưa hoàn thành của BHXH. Theo Thứ trưởng dù các nhiệm vụ vẫn trong hạn nhưng có thể tuần sau hoặc tháng sau tới hạn. “Trong những nhiệm vụ còn lại đều là những nhiệm vụ khó cần hoàn thành trong tháng 11, tháng 12. Đặc biệt, đề án kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy liên tỉnh liên huyện để tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18 là một nhiệm vụ khó”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thành viên tổ công tác phát biểu

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, qua theo dõi, thấy được trong các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản cá biệt của BHXH có nhiều văn bản chứa quy phạm. Chiếu vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì những văn bản này không đúng, ví dụ như quyết định 595. “Tôi đề nghị các đồng chí quan tâm đến vấn đề này”, Thứ trưởng Dũng nói.

Thứ trưởng Dũng cũng lưu ý đến vấn đề mục tiêu người đóng BHXH cần phải triển khai, tuyên truyền quyết liệt hơn nữa. Bởi lượng người tham gia BHXH năm 2017 thì khoảng 30% và 9 tháng đầu năm cũng khoảng này. Đây là con số ít so với người lao động. Với lộ trình đặt ra đến năm 2020 có 50% người lao động đóng BHXH thì rất khó.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, ông rất ấn tượng với cải cách của BHXH theo hướng điện tử hóa rất mạnh. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, chỗ nào ít người và nhiều việc thì buộc phải cải cách rất mạnh theo hướng hành chính điện tử. Ví dụ như Hải Quan, Thuế rồi hôm nay là BHXH. Do đó, kinh nghiệm này cần áp dụng cho các cơ quan, đơn vị. “Động lực nội tại quá nhiều việc thì buộc họ phải thay đổi. Không thay đổi là chết. Nếu thêm người ít việc và thì không bao giờ thay đổi được hoặc thay đổi nửa vời vừa giấy tờ vừa điện tử”, TS Nguyễn Đình Cung nói

Đồng quan điểm Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh cho biết, để có được kết quả như hôm nay, BHXH xác định “không cải cách là chết”, bởi khối lượng công việc cực kỳ lớn.

Đơn cử, mỗi năm cơ quan này phải giám định trên 170 triệu lượt hồ sơ thanh toán bảo hiểm, rà đến từng viên thuốc. Cùng với đó, quản lý hơn 14 triệu người tham gia BHXH, “mỗi cán bộ khi thay đổi phụ cấp đều phải cập nhật”, 4 triệu người hưởng lương hưu… “Đã có thời gian cán bộ chúng tôi phải thường xuyên làm việc tới 9-10 giờ đêm, hơn 1.000 cán bộ bỏ việc”, bà Minh nói.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận đúng như các ý kiến góp ý, hiện BHXH Việt Nam mới đi được 70-80% quãng đường cải cách và cần tiếp tục đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2021, nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 35% vẫn là rất áp lực.

Đọc thêm