Cần phối hợp chặt chẽ trong điều hành xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh mà đã rải rác xuất hiện ở Hà Nội. Theo giới chuyên gia, 2 Bộ chủ đạo trong điều hành xăng dầu là Công Thương và Tài chính cần ngồi lại xem xét cặn kẽ vấn đề, có giải pháp hữu hiệu để tránh “khủng hoảng” xăng dầu cục bộ tiếp diễn.
Mua xăng dầu ở Hà Nội cũng bắt đầu khó khăn. (Ảnh minh họa)
Mua xăng dầu ở Hà Nội cũng bắt đầu khó khăn. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương nói đủ nguồn cung xăng dầu

Tại cuộc thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Bộ trưởng dẫn chứng số liệu, tới ngày 30/9, dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3, nguồn từ hai nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất, Nghi Sơn) là 1,36 triệu m3 xăng dầu.

Cộng với lượng 0,5 triệu m3 nhập khẩu trong tháng 10 từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tổng cộng nguồn cung xăng dầu trong nước hiện còn khoảng 3 triệu m3. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp (DN) bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Vì thế, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối ổn định.

Khi lực lượng chức năng siết chặt, triệt phá hàng loạt đường dây buôn xăng dầu giả, cùng với nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp, DN kinh doanh xăng dầu kiếm ít tiền hơn so với trước đây, thận chí bị lỗ so với giai đoạn kinh doanh xăng trôi nổi.

Bên cạnh đó, loạt chi phí kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa từ nước ngoài về cảng; từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi...) đã lạc hậu. Ngoài ra, 10 kỳ điều hành liên tiếp, giá liên tục giảm khiến cho DN thua lỗ do nhập giá cao, bán giá thấp.

Cân nhắc kỹ lưỡng khi rút giấy phép kinh doanh

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ là do thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) về xăng dầu. ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Bộ Công Thương, Tài chính đã điều hành chưa sát thực tế thị trường”.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nhận xét, QLNN một số lĩnh vực còn bất cập, như trong lĩnh vực xăng dầu, cho thấy sự phối hợp giữa các bộ chưa chặt chẽ và đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm QLNN và cần chỉ đạo điều hành giữa các bộ, ngành để tình trạng này không tái diễn.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiện mặt hàng xăng dầu do 7 bộ, ngành và địa phương cùng quản lý. Bộ Công Thương được giao quản lý về nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ DN đầu mối tới thương nhân phân phối. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm rà soát, điều chỉnh thuế, phí, các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở. Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý chất lượng xăng dầu, còn vấn đề môi trường thuộc trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hệ thống kinh doanh xăng dầu gồm DN đầu mối, thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Trong chuỗi này, số lượng đại lý/tổng đại lý bán lẻ hiện khoảng 17.000 cửa hàng, do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép, quản lý trực tiếp. Ông Diên cho rằng, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, kiểm soát và xử lý hệ thống đại lý/tổng đại lý để đồng bộ cùng QLNN.

Về giải pháp cho thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết tới đây sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, song trước mắt vẫn thực hiện theo quy định, nếu DN vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép, có thể thu hồi vĩnh viễn.

Trả lời PLVN, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu 2 Bộ chủ đạo trong điều hành xăng dầu (Công Thương – Tài chính) không “ngồi lại với nhau”, xem xét cặn kẽ vấn đề thì việc “khủng hoảng” xăng dầu cục bộ sẽ tiếp diễn (nhất là vào các kỳ điều hành giảm giá). Hà Nội cũng đã xuất hiện hiện tượng khan hiếm cục bộ cho thấy việc này không chỉ xuất hiện ở phía Nam.

Cũng theo chuyên này, nếu không chuẩn bị kỹ càng, việc rút giấy phép kinh doanh xăng dầu sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Nhất là trong tình trạng hệ thống xăng dầu tư nhân đang có tư tưởng sẵn sàng bỏ cuộc nếu tiếp tục điều hành khiến cho việc kinh doanh của họ thua lỗ.

Đọc thêm