Cần quan tâm vấn đề an sinh xã hội và công tác tuyên truyền việc sửa Luật BHXH

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tới đây để người lao động (NLĐ) không rút BHXH một lần…
Gỡ khó cho bảo hiểm xã hội 5 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam.
Gỡ khó cho bảo hiểm xã hội 5 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, chúng tôi đã trả lời rõ những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, nhân lực chất lượng cao, vấn đề BHXH. Trước khi tiến hành phiên chất vấn thì đây là vấn đề rất “nóng”, thế nhưng sau chất vấn tình hình đã dịu đi và có chuyển động tốt hơn”.

Bộ trưởng cũng tán thành với các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng trưởng kinh tế đã tạo cho an sinh xã hội, việc làm, thu nhập của người dân cơ bản được bảo đảm. Đến nay, quy mô lao động của Việt Nam vẫn duy trì được 52,2 triệu người (kể cả quy mô, chất lượng, bảo đảm cơ bản trong lĩnh vực lao động, việc làm) và an sinh xã hội, cũng như các chính sách được triển khai tương đối kịp thời, đặc biệt trong thiên tai, bão lũ… đã hỗ trợ kịp thời đến người dân để khắc phục hậu quả. Tỷ lệ thất nghiệp cho đến nay 2,3%, so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn, bình quân 6 tháng duy trì tỷ lệ thất nghiệp 2,27% - đạt yêu cầu và vượt trên ngưỡng mà chúng ta mong đợi.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện có hai vấn đề là tỷ lệ lao động, việc làm trong quý II/2023 là thiếu việc làm 2,06%, trong đó đáng chú ý khu vực thành thị tỷ lệ thiếu việc làm là 1,66% - tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng cắt giảm đơn hàng và thiếu việc làm diễn ra trong quý II/2023 cao hơn so với quý I, đặc biệt số cắt giảm, giãn việc làm, thiếu việc làm là trên 500.000 người. Trong đó, số thất nghiệp hẳn là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và miền Đông Nam Bộ nhiều hơn; thu nhập bình quân quý II/2023 của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng - tăng so với năm 2022 nhưng tốc độ tăng lại giảm đi.

Đáng lưu ý, một số khu công nghiệp, khu miền Đông Nam Bộ tốc độ tăng thu nhập giảm mạnh nhất, thậm chí giảm đến 5 lần; nhưng một số địa bàn lại tăng rất nhanh như Thái Bình (tăng hơn 10%), Ninh Bình (tăng hơn 4%); khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang lại có tình trạng giảm sút về thu nhập.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tập trung triển khai tốt chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công an việc làm, bảo đảm an ninh trật tự, an sinh và an dân. Tập trung triển khai chính sách liên quan đến tiền lương, doanh nghiệp, bảo trợ xã hội, người nghỉ hưu, người có công… tất cả các chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 7/2023 nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm…

Điều đặc biệt quan tâm là thời gian tới một trong những vấn đề sẽ nổi lên liên quan đến hàng chục triệu lao động là vấn đề sửa Luật BHXH. Một trong những vấn đề này theo tinh thần Nghị quyết số 28 cái phức tạp nhất, khó khăn nhất chính là vấn đề BHXH một lần. Theo Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và nếu duy trì tiếp theo Nghị quyết 93 thì Việt Nam đi hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế và chúng ta có thể trước mắt ổn định cho người dân nhưng sẽ gây một hậu quả rất lớn về an sinh xã hội về lâu dài. Do đó, vấn đề này chúng tôi đã và đang đưa ra nhiều phương án khác nhau để tới đây trình Chính phủ, Quốc hội.

Tuy nhiên, thời gian tới đây, các cơ quan tuyên truyền và các địa phương rất lưu ý vấn đề này, không tập trung tuyên truyền quá nhiều về vấn đề rút BHXH một lần vì đây chỉ là lợi ích trước mắt nhưng sẽ rất hại lâu dài cho đất nước và chúng tôi đang bàn với ngân hàng cùng một số cơ quan đưa ra chính sách khác thông thoáng hơn để NLĐ không rút BHXH một lần và có chính sách khác hỗ trợ.

Gỡ khó cho BHXH 5 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam

Mới đây, Đoàn công tác BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với BHXH 5 tỉnh, thành phía Nam gồm: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Theo đó, ông Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà BHXH 5 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà BHXH các địa phương gặp phải trong thời gian qua.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý: “Về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu BHXH các tỉnh, thành phố; cũng như cần phân tích, nhận diện các vấn đề từ sớm, từ xa. Trên cơ sở đó, chủ động đề ra các giải pháp để thực hiện một cách hiệu quả nhất. Song song đó, nâng cao chất lượng công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT. Truyền thông đúng thời điểm, đa dạng, có cách thức tiếp cận phù hợp sẽ tạo niềm tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Đọc thêm