Cần sớm tổ chức đơn vị chống tham nhũng chuyên trách

(PLO) - “Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm 2016. Ngay trong số liệu, các báo cáo khác nhau lại có số liệu khác nhau. Như vậy là tình hình tham nhũng tăng hay giảm?”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là băn khoăn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp khi tiếp tục cho ý kiến về Báo cáo phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ diễn ra hôm qua (6/9).

Báo cáo “né” thực tế!

Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương), tình trạng tham nhũng vẫn tràn lan, đến nỗi người dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng, kể cả cán bộ, công chức. Nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy số lượng bị xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để cho tình trạng tham nhũng xảy ra. Trong mấy triệu đảng viên cũng chỉ có 3 người bị xử lý vì vi phạm trong kê khai tài sản. 

“Đây là con số không thể nào tin được... Né tránh quá nhiều!”- ông Kim nhận định và cho rằng, hiện nay có nhiều cơ quan làm nhiệm vụ PCTN nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm trời không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập. “Cơ quan nào cũng nói PCTN, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia “chống lưng”, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Vì vậy, phải sớm tổ chức ra đơn vị chống tham nhũng chuyên trách, làm việc có hiệu quả, không để bị níu kéo, trì trệ…”- ông Kim đề nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa bắt nhịp được quyết tâm của Trung ương (T.Ư) và yêu cầu của người dân. Công tác phát hiện PCTN ở địa phương chưa mạnh mẽ quyết liệt, sự đồng bộ trong các cơ quan và giữa T.Ư và địa phương chưa tốt. “Nói là phức tạp nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ lại tăng. Như vậy có phù hợp hay không? Hay cả năm 2017 chỉ có 25 người bị xử lý. Khi không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì công tác PCTN không thể tiến lên được”- ông Học nhận định.

Đánh giá chưa kỹ

Làm rõ một số vấn đề các ĐB thắc mắc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, các vụ án về tham nhũng lớn đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra từ giai đoạn trước, cách đây 6 đến 7 năm, như vụ Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh từ năm 2009, Phạm Thanh Bình ở Vinashin, Vinalines hay Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó. “Thực tế cho thấy các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của giai đoạn trước, do quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập “sân sau”- Thượng tướng Vương cho biết.

Theo Thượng tướng Vương, qua các vụ án tham nhũng nổi lên 3 vấn đề. Đó là, thực hiện Luật PCTN chưa hiệu quả; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao. Đạo đức công vụ của cán bộ, vấn đề lợi ích nhóm, “cầm tiền chia chỗ này, chạy chỗ kia”; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...

“Đơn cử như sai phạm PVC, vụ án đang điều tra thì việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu EPC. Hay lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng. Hiện đang xử OceanBank, cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý”, Thượng tướng Vương nói và cho biết, hiện tại lo ngại nhất là tình trạng lãng phí đất đai hay các dự án BOT, BT... là nơi tiềm ẩn tham nhũng. Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, để ngăn chặn tham nhũng thì trước hết cần quản lý tài chính tốt, xem xét lại vấn đề đất đai; công khai, minh bạch, để dân được giám sát; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao vai trò của các cơ quan báo chí...

Do vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, báo cáo về PCTN của Chính phủ chưa kỹ, chưa bám sát tình hình PCTN năm nay, kể cả những kết quả từ T.Ư lan toả ra các địa phương. 

Đọc thêm