Cần sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên

(PLO) - Hiện nay, giá cát xây dựng đã ở mức 700.000 đồng/m3 mà cũng không có để mua, bởi vậy nhiều dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long đã phải dừng thi công, các nhà thầu đang đứng ngồi không yên khi giá cát vẫn tiếp tục tăng. 
Cần sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu cát xây dựng của nước ta năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng, đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó bởi cát là nguồn tài nguyên ít tái tạo.

Cát là một vật liệu không thể thiếu được trong xây dựng. Có đến 80% tổng số lượng cát hiện nay dùng cho san lấp mặt bằng, đường giao thông, chỉ có khoảng 20% còn lại dùng cho các công trình xây dựng như đổ bê tông, trát vữa. Nhưng cát đang được dùng một cách lãng phí, điều đó đã góp phần làm cho tài nguyên này ngày càng khan hiếm. 

Trước tình hình cát ngày càng cạn kiệt, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phải đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp để tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn này. Theo ý kiến các chuyên gia, sử dụng cát để san nền giúp công trình ổn định hơn nhưng nếu dùng lớp cát quá dày sẽ có hiện tượng chảy khi có dòng chảy lớn hoặc có động đất. Vì vậy, chỉ nên sử dụng cát cho sản xuất bê tông và trát vữa, còn san nền có thể sử dụng loại vật liệu khác thay thế. Giải pháp thay thế đó là sử dụng cát nhân tạo.

Mặc dù cát nhân tạo đã xuất hiện tại Việt Nam 10 năm trở lại đây, đến nay, loại vật liệu mới này vẫn không được sử dụng phổ biến trên thị trường, bởi người dân cũng như nhà đầu tư vẫn muốn duy trì thói quen tiêu dùng cát tự nhiên trong xây dựng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế, ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa. Viện Vật liệu xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên từ vài năm nay.

Bên cạnh đó, Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy thủy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình vừa xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề cung cấp vật liệu thay thế vật liệu san lấp truyền thống.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc tìm nguyên liệu để thay thế cát tự nhiên vẫn chưa đủ. Các cơ quan chức năng cần quan tâm tới việc tiết kiệm cát, cấm triệt để việc khai thác cát trái phép, trong đó, cấm tuyệt đối việc xúc cát bán ra nước ngoài, kể cả cát nước ngọt hay cát nước mặn. Chính phủ và Bộ Xây dựng cần xây dựng hệ thống về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và quy định, hướng dẫn rõ ràng đối với vật liệu mới thay thế cát để người dân biết sử dụng. Tránh tâm lý lo ngại về chất lượng loại vật liệu mới có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng hay không?

Ngoài ra, để giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên có thể dùng đất đồi cho việc san lấp các khu công nghiệp, khu đô thị; các công trình nên sử dụng các vật liệu không nung, kích thước lớn để giảm việc dùng cát vào xây, trát...

Đọc thêm