Cần tăng cường vai trò của Tòa án trong THADS

(PLO) - Theo Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, vai trò của Tòa án được cụ thể hóa tại các điều quy định về chuyển giao bản án, quyết định, về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (THA), về xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp, về trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong THA. Thực tiễn thi hành vừa qua cho thấy, các quy định trên cơ bản là phù hợp, song cũng còn tồn tại một số vướng mắc.
Cần tăng cường vai trò của Tòa án trong THADS
Tòa án ra quyết định thi hành án?
Luật THADS hiện hành quy định sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án chuyển giao hoặc đơn yêu cầu THA của đương sự, Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định về THA và giao chấp hành viên tổ chức thi hành. Ưu điểm của quy định này là nâng cao vị thế của cơ quan THADS, tạo điều kiện cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, gắn với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.  
Tuy nhiên, đã nảy sinh một số vấn đề vướng mắc như trong giải quyết tranh chấp tài sản kê biên, phân chia tài sản, xác định quyền sở hữu thì Luật THADS quy định trường hợp có công văn yêu cầu hoãn THA hoặc quyết định kháng nghị, tạm đình chỉ THA của người có thẩm quyền kháng nghị, cơ quan THA phải thông báo cho người yêu cầu hoãn, kháng nghị biết, nhưng sau đó quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm lại không đề cập đến việc xử lý hậu quả phát sinh do bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc thi hành xong. 
Vì vậy, để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án, có quan điểm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS theo hướng Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định THA và chuyển giao cho cơ quan THADS thi hành. 
Việc ra quyết định THA vẫn theo hai cơ chế chủ động ra quyết định THA đối với các khoản: hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đối với các khoản khác, Tòa án ra quyết định THA khi có đơn yêu cầu THA của đương sự và chuyển giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. 
“Làm đậm” quy định về thi hành án hành chính
Một trong những yêu cầu đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS lần này là bảo đảm triển khai Luật Tố tụng Hành chính năm 2010 với quy định giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THA hành chính, cơ quan THADS đôn đốc THA hành chính. 
Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật THADS gồm thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải THA của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại. 
Phạm vi điều chỉnh trên phù hợp ở thời điểm năm 2008 khi Luật THADS được thông qua, song lại “lạc hậu” so với Luật Tố tụng Hành chính năm 2010. Bởi thế, cần bổ sung việc thi hành phần quyết định không liên quan đến tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính vào phạm vi điều chỉnh của Luật THADS và bổ sung một mục trong Luật về THA hành chính. 
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có đề xuất cụ thể. Theo đó, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất nhanh chóng “làm đậm” các quy định về THA hành chính vì đây là một nhiệm vụ quan trọng đã được tin tưởng giao phó cho Bộ Tư pháp.

Đọc thêm