Cận Tết lại tăng nhiều ca ngộ độc vì uống nhầm... thuốc chuột

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, hầu như tuần nào, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trường hợp đầu tiên là bà P.T.H. Sau khi xuất hiện tình trạng khó chịu, đau bụng, buồn nôn, bà H., được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định ngay trong đêm để thăm khám.

Bà H. cho biết, vào 10h hôm đó có uống nhầm thứ bột màu xanh do để lẫn với đồ ăn. Tuy nhiên, sau khi uống xong thấy không có triệu chứng gì nên bệnh nhân đi ngủ và không báo cho gia đình biết. Các triệu chứng bất thường chỉ bắt đầu xuất hiện vào tối cùng ngày.

Ngay lập tức tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, bệnh nhân được xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt tính, sorbitol sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Theo các bác sĩ, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột wafarin, có tình trạng rối loạn đông máu nặng. Mặc dù vậy, thời điểm nhập viện, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không có tình trạng chảy máu ngoài, da và niêm mạc hồng, tổ chức dưới da không phù, không xuất huyết.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam ở Hải Dương, sau khi uống nhầm thuốc diệt chuột, bệnh nhân không thấy xuất hiện triệu chứng lâm sàng nên chủ quan không đến bệnh viện. Phải 2 ngày sau, bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng và được gia đình đưa vào bệnh viện ở Hải Dương. Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định rối loạn đông máu rất nặng, phải truyền cả máu và thuốc, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Thời gian vừa qua, gần như tuần nào, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột. Điều đáng nói là hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện sau nhiều giờ đồng hồ, thậm chí là nhiều ngày sau khi uống thuốc diệt chuột, làm lỡ đi thời gian vàng để chữa trị.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất diệt chuột. Các loại thuốc diệt chuột trước đây thường gây co giật, rối loạn nhịp tim rồi dẫn đến tử vong và hiện đã bị cấm. Loại thuốc diệt chuột phổ biến hiện nay, vẫn được quảng cáo là thuốc diệt chuột "sinh học", lại gây rối loạn đông máu. Khi uống vào không gây biểu hiện ngay mà tác động âm thầm. Do đó, rất khó để phát hiện sớm tình trạng ngộ độc thuốc diệt chuột.

Đáng nói, theo BS Nguyên, các hóa chất trong thuốc diệt chuột có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân một thời gian rất dài, từ vài tháng đến cả năm trời. Các chất độc này có thể gây chảy máu bất kì lúc nào. Do đó, bệnh nhân vẫn phải duy trì thuốc giải độc trong thời gian dài và tái khám rất nhiều lần.

"Có nhiều trường hợp chủ quan, sau khi điều trị ổn định đã bỏ thuốc và sau đó lại bị chảy máu nội tạng do chất độc chưa được đào thải hết và phải quay lại bệnh viện. Có thể thấy, việc ngộ độc thuốc diệt chuột nguy hiểm và dai dẳng, kéo dài. Ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cả công việc của bệnh nhân", BS Nguyên nói.

Đọc thêm