Cần Thơ đánh giá đúng chuyển biến xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền

(PLVN) - Mới đây, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác PBGDPL năm 2019, Tổng kết trao giải cuộc thi Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tuyên truyền pháp luật đi sâu vào đời sống nhân dân

Báo cáo trước Hội nghị, bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết, với vai trò cơ quan Thường trực của Hội đồng, Sở đã làm đầu mối thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Công tác phối hợp với các đơn vị được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL ngày càng được đa dạng hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội. Đặc biệt, TP đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật như “Quán cà phê pháp luật”, “Điểm hẹn pháp luật”, “Giao lưu, tuyên truyền pháp luật trong trường học”… Qua đó đã giúp duy trì, khai thác hiệu quả các tủ sách pháp luật tạo điều kiện cho người dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật khi cần thiết.  Không những thế, mô hình “Điểm hẹn pháp luật” tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền cho đồng bào giáo dân các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo và các quy định pháp luật liên quan.

Ngoài ra, thành phố còn tập trung  đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền. Cụ thể, thực hiện gần 52.000 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 1,5 triệu người tham dự. Qua đó tập trung tuyên truyền các bộ luật và văn bản pháp luật cần thiết cho đời sống người dân: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, quy định mới về cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp gắn với tuyên truyền phổ biến Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến đầu tư kinh doanh.

Trong năm 2018, thành phố duy trì mô hình tủ sách pháp luật đặt tại các quán cà phê, kệ sách pháp luật tại các ấp, khu vực. Theo đó đã có 110 điểm quán cà phê pháp luật và trên 280 kệ sách tại các ấp, khu vực. Đồng thời, nhân rộng việc đặt tủ sách pháp luật tại các cơ sở thờ tự và tổ chức sinh hoạt định kỳ. Điển hình như huyện Cờ Đỏ đã đặt tủ sách pháp luật tại 9 cơ sở thờ tự qua đó tiếp tục nâng cao điều kiện tìm hiểu pháp luật cho người dân. Với các hình thức trên, trong năm 2018 toàn thành phố có trên 44.000 lượt người tham gia tìm hiểu pháp luật tại các tủ sách.

Bên cạnh đó, mô hình “Câu lạc bộ (CLB) pháp luật”  được tổ chức sinh hoạt định kỳ và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đến nay, địa bàn tỉnh có 193 CLB. Nhiều CLB đã lan tỏa và triển khai sâu rộng trong dân, điển hình như “CLB 6 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không bạo lực gia đình, không khiếu kiện sai pháp luật, không vi phạm luật giao thông) của Hội Cựu chiến binh thành phố. Trong năm, các CLB đã tổ chức gần 1.400 cuộc sinh hoạt có trên 37.700 người tham gia.


 Tổng kết Hội thi Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015, Ban Tổ chức Hội thi đã phát hành 120.000 phiếu dự thi đến các đối tượng. Kết quả thu về hơn 106.000 phiếu, đạt tỷ lệ 89%; đã trao 15 giải tập thể: 3 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải 3 và 6 giải khuyến khích. Đồng thời, trao 26 giải bao gồm 1 giải nhất, 2 giải Nhì, 3 giải 3 và 20 giải khuyến khích. Nhiều đơn vị trường học quận, huyện đã vận động tham gia, tuyên truyền tốt các nội dung để đảm bảo chất lượng cuộc thi: Quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai, huyện Vĩnh Thạnh, Trường THPT Thới Lai

Nâng cao tính thiết thực của nội dung tuyên truyền

Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh cho biết, Phòng xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm nên tích cực tham mưu lãnh đạo UBND huyện và phối hợp với các ban ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với đặc thù là huyện có đông đồng bào công giáo và Phật giáo hòa hảo nên huyện đã chủ động phối hợp với các vị chức sắc trong Nhà thợ, Ban trị sự Phật giáo Hòa hảo lồng ghép tuyên truyền các chính sách pháp luật đến cho người dân. 

Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, theo ông Sơn cần thường xuyên nắm bắt kịp thời các vấn đề tranh chấp dân sự, các hành vi vi phạm pháp luật đã được công an, tòa án xử lý để tập trung tuyên truyền các nôi dung cho sát thực tế .Đặc biệt, cần tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuyên truyền phải gắn với xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Chính, Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho rằng muốn nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL yêu cầu Hội đồng PBGDPL của thành phố và các quận, huyện phải đánh giá được mức độ chuyển biến của nó trong xã hội. Để thực hiện được công tác đánh giá cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan. Khi đã đánh giá được thì chỉ cần hành động.

Năm 2019 với nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu công tác thực thi pháp luật càng cao, đạt kết quả càng tốt, ông Chính đề nghị phát huy vai trò của các thành viên hội đồng. Các đơn vị phải quan tâm đến trách nhiệm PBGDPL. “Ngoài ra cũng cần phải tiếp tục rà soát kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên pháp luật. Tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho tuyên truyền viên. Để năm 2019 mang lại nhiều kết quả, cách làm mới thì vai trò từng thành viên rất cần thiết và quan trọng”, ông Chính nhấn mạnh.

Đọc thêm